Bên cạnh xét kết quả từ các kỳ thi đánh giá năng lực, có ý kiến đề xuất, các trường có thể phỏng vấn thêm để kiểm tra chỉ số cảm xúc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc phỏng vấn trong bối cảnh hiện nay không dễ và khó khả thi vì số lượng thí sinh lên đến hàng nghìn người.
GS.TS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Hà Nội - nhìn nhận, vì nhiều lý do khác nhau nên trong giai đoạn này, hình thức phỏng vấn ở Việt Nam chưa phù hợp. “Khi làm quản lý phòng đào tạo, tôi đã đề xuất hủy bỏ phỏng vấn đối với kỳ thi bác sĩ nội trú. Vì 3 - 4 năm liền, phỏng vấn không loại ai nên kỳ thi này không có giá trị” - GS Tạ Thành Văn cho hay.
Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Hà Nội gợi mở, có thể khuyến khích học sinh THPT tham gia hoạt động vì cộng đồng bằng cách cộng thêm vào điểm xét tuyển. Ngành Y rất cần tấm lòng nhân ái nên việc học sinh, sinh viên tham gia công tác xã hội nên được cộng điểm ưu tiên.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Vì thế, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - cho rằng, việc sử dụng hình thức phỏng vấn để tuyển sinh hay không thuộc thẩm quyền của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng hình thức này với những trường hợp chỉ tiêu tuyển sinh ít và cần được chọn lọc kỹ. Nếu áp dụng đại trà sẽ không khả thi và cồng kềnh, tốn kém.
Không phản đối hình thức phỏng vấn trong tuyển sinh đại học, nhất là với khối ngành sức khỏe, song PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng, xét về phương diện kinh tế, tính hiệu quả không cao.
Về nguyên tắc, các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, phải công bố công khai phương án tuyển sinh trong đề án để thí sinh nắm được. Nếu muốn bổ sung hình thức phỏng vấn để tăng chất lượng đầu vào phải công bố sớm. Tuy nhiên, hình thức này chỉ nên áp dụng thí điểm ở một ngành có tính đặc thù, mức cạnh tranh cao hoặc áp dụng cho lưu học sinh, tuyển sinh người nước ngoài…
Đồng quan điểm, TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) - trao đổi, hình thức phỏng vấn không xa lạ, song chỉ nên thí điểm ở một số ngành có tính đặc thù, chưa nên áp dụng đại trà. Nếu áp dụng hình thức này thì thực hiện phải công khai, minh bạch và công bằng, khách quan. Ngoài ra, các trường có thể áp dụng phỏng vấn như một hình thức phụ. Chẳng hạn, phỏng vấn những thí sinh đã trúng tuyển để khảo sát nhu cầu, sở thích.
Theo TS Võ Thanh Hải, trong công tác tuyển sinh, các cơ sở đào tạo nên xây dựng tiêu chí phụ và công bố công khai trong đề án tuyển sinh để thí sinh tiện theo dõi. Từng trường có thể xây dựng tiêu chí phụ khác nhau, phù hợp thực tiễn.