Xây dựng thói quen đã khó, thay đổi thói quen còn khó hơn nhiều. Lâu nay, chúng ta quen với các bài thơ vần điệu xuôi tai.
Từ năm 2021, từ khi xuất hiện bài thơ “Bắt nạt” của Nguyễn Thế Hoàng Linh trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6, tập 1, bộ “Kết nối tri thức và cuộc sống”, dư luận vẫn tiếp tục tranh luận trên văn đàn, với sự quan tâm sâu sắc của độc giả, phụ huynh, học sinh, giáo viên và công chúng yêu thơ.
Là giáo viên từng đứng trên bục giảng, dạy học sinh trung học cơ sở nhiều năm, tôi nhận thấy, bài “Bắt nạt” đúng là có sự khác biệt so với những bài thơ từng được đưa vào chương trình Ngữ văn THCS. Trước đó, học sinh quen với các bài thơ, như:
Cứ mỗi độ thu sang
Hoa cúc lại nở vàng
Ngoài vườn hương thơm ngát
Ong bướm bay rộn ràng
Em cắp sách tới trường
Nắng thu rải trên đường
Trời trong xanh gió mát
Đẹp thay lúc thu sang
(Mùa thu sang - Trần Lê Văn)
Hay bài “Hạt gạo làng ta” của Trần Đăng Khoa:
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy.
Nghĩa là chúng ta một thời đã quá quen với những vần thơ giản dị, dễ hiểu nên khi đọc bài thơ “Bắt nạt”, thấy có sự khác biệt. Trước hết, tôi nhận thấy, các bài thơ của Trần Đăng Khoa, Trần Lê Văn thực sự rất hay, dễ hiểu và được đông đảo công chúng đón nhận, ngợi khen. Theo đó, cũng khẳng định việc lựa chọn bài đưa vào sách giáo khoa được thực hiện khoa học, đúng đắn. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta phủ nhận những bài thơ khác, cách lựa chọn bài thơ “Bắt nạt”.
Theo tôi, bàn về tiêu đề bài thơ này: Dễ nhớ; Bàn về hành vi: Đáng lên án. Vậy thông điệp được gửi gắm từ nhan đề như một lời cảnh tỉnh, bắt nạt là hành vi không tốt, không nên có ở mọi nơi mọi lúc, nhất là trong nhà trường. Trong khi đó, thực tế thì sao? Hành vi bắt nạt, cao hơn là bạo lực học đường vẫn xuất hiện khá nhiều, nhất là trong các trường tiểu học và THCS.
Bởi vậy cho nên, lời thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh:
Bắt nạt là xấu lắm
Đừng bắt nạt, bạn ơi
Bất cứ ai trên đời
Đều không cần bắt nạt
Câu thơ mở đầu đã mang tính khẳng định “Bắt nạt là xấu lắm” bởi đó là hành vi “trấn áp”, “gây hấn” khiến cho đối tượng bị bắt nạt tổn thương, buồn, thậm chí đau khổ vì thấy mình nhỏ bé, nhút nhát và dường như bị cô lập với thế giới xung quanh, thuộc tuýp yếu ớt và dễ tự ti trước đông người. Tiếp đó, là lời khuyên “Đừng bắt nạt, bạn ơi”.
Khổ thơ thứ nhất có 4 câu thơ và từ bắt nạt xuất hiện 3 lần, kết hợp với nhan đề “Bắt nạt” là một cách nhấn mạnh thông điệp chủ đạo xuyên suốt bài thơ này, đồng thời là thông điệp mang tính nhân văn và có giá trị giáo dục rất rõ rệt. Đặc biệt, thời điểm hiện nay, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường về việc cần tích cực phòng chống bạo lực học đường bởi đây đang là vấn đề toàn xã hội quan tâm.
“Bất cứ ai trên đời/ Đều không cần bắt nạt”. Ngay khổ thơ đầu đã chiếm được cảm tình của người đọc bởi thông điệp rõ ràng nhưng không cần hô khẩu hiệu, không cần “đao to búa lớn”.
Và lời khuyên như một thông điệp giáo dục mang tính nhân văn được đưa ra ngay ở khổ thơ tiếp theo:
Tại sao không học hát
Nhảy híp-hóp cho hay?
Thời gian trong một ngày
Đâu để dành bắt nạt
Học hát và nhảy híp-hóp khiến cuộc sống vui nhộn và ý nghĩa hơn nhiều chứ? Quỹ thời gian ai cũng như ai, 24 tiếng/ngày. Vậy nên sử dụng vào những việc bổ ích, không nên dành thời gian bắt nạt bạn bè.
Tiếp đó, tác giả không dùng lời khuyên theo lối xuôi chiều như trên nữa, mà bằng cách khêu gợi, “khích tướng”, khích cho những ai hay bắt nạt người khác:
Sao không ăn mù tạt
Đối diện thử thách đi?
Thử kẻ yếu làm gì
Sao không trêu mù tạt?
Mù tạt là gia vị cay, xông, hăng. Nếu không biết cách ăn, mù tạt sẽ xộc thẳng lên mũi, óc, làm chảy nước mắt nước mũi. Không phải ngẫu nhiên tác giả lựa chọn hình ảnh này. Nếu là ớt thì phổ biến và dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, mù tạt ấn tượng hơn! Nhìn ớt là biết tránh, mù tạt chưa hẳn?!
Vấn đề đáng bàn là nếu đi bắt nạt bạn là mình oai, vậy mình thử ăn mù tạt xem có còn oai không? Cách nói này lạ, lạ và độc đáo. Không phải chỉ dân biển hay dân thành phố mới biết mù tạt. Hiện tại, miền núi, trung du vẫn có nhiều nhà hàng hải sản. Ở đó có mù tạt! Và giả sử có một số lượng nhất định học sinh hoặc độc giả chưa biết mù tạt, thì hãy làm theo cách nói “dân gian hiện đại” “Trăm năm trong cõi người ta? Những gì chưa biết thì tra Google”. Một phút là tra cứu được!
Có ý kiến cho rằng bài thơ này có vẻ không được xuôi tai như các bài thơ nêu trước đó! Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu quanh năm đời này qua đời khác học theo một lối mòn. Nhân nói lối mòn, còn nhớ Lỗ Tấn, trong tác phẩm Thuốc có nêu một triết lý “Trên thế giới làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”!
Vậy nay chưa quen tai, mai đọc sẽ khác, tháng sau, năm sau đọc lại sẽ quen hơn! Tôi không phủ nhận với học sinh nên chọn thơ dễ hiểu. Bài này cũng có khó hiểu đâu?
Những bạn nào nhút nhát
Thì là giống thỏ non
Trông đáng yêu đấy chứ
Sao không yêu, lại còn...?
Đừng bắt nạt người lớn
Đừng bắt nạt trẻ con
Đừng bắt nạt nước khác
Trên khắp trái đất tròn
Đừng bắt nạt mèo, chó
Đừng bắt nạt cái cây
Đừng bắt nạt ai cả
Vì bắt nạt dễ lây.
Thông điệp nhân văn được nâng lên một cấp độ mới “Những bạn nào nhút nhát/ Thì là giống thỏ non”, giống thỏ non hiền lành, dễ mến, cần được bảo vệ, bởi “Trông đáng yêu đấy chứ”, đáng yêu thì phải được yêu thương, được chở che, sao lại nỡ bắt nạt? Trong trường hợp này, ngôn ngữ không lời tự nhiên hiển hiện bởi âm hưởng chủ đạo đã từng xuất hiện ngay phần mở đầu bài thơ “Bắt nạt là xấu lắm”.
Cả ba khổ thơ là những lời khuyên chân thành, nhỏ nhẹ, có phần âu yếm, phù hợp tâm lý học sinh. Không nên bắt nạt bất cứ một ai, dù đó là người lớn hay trẻ con, người nước mình hay nước khác. Cũng không nên bắt nạt loài vật bao gồm cả động vật và thực vật. Nghĩa là sống yên bình trong thế giới hiền hòa, đoàn kết và thân ái. Hai khổ thơ thứ 5 và 6 liên tiếp xuất hiện 6 từ “Đừng” đặt ở đầu 6 câu thơ, thủ pháp lặp chính là một biện pháp tu từ nhấn mạnh, tô đậm thông điệp KHÔNG NÊN BẮT NẠT!
Có chăng dư luận bàn nhiều về 2 khổ thơ cuối.
Bạn nào bắt nạt bạn
Cứ đưa bài thơ này
Bảo nếu cần bắt nạt
Thì đến gặp tớ ngay
Cứ đến bắt nạt tớ
Bị bắt nạt quen rồi
Vẫn không thích bắt nạt
Vì bắt nạt rất hôi!
Nếu bạn nào bị bắt nạt “Thì đến gặp tớ ngay”, đây là hành động có ý thức che chở!
Bị bắt nạt quen rồi! Không có nghĩa là trả thù đời bằng hành vi bắt nạt lại! Mà giúp mọi người tránh xa hành động đó! Ai nhen nhóm ý nghĩ bắt nạt bạn thì bỏ đi! Ai đã từng vi phạm thì dừng lại! Ai là nạn nhân sẽ vui khi tất cả bạn bè nhận ra bắt nạt là xấu và sống trong một lớp, một trường không có hành vi bắt nạt!
Bắt nạt chính là hành động khởi thủy của bạo lực học đường! Cần lên án và xoá bỏ! Tôi cho rằng xây dựng được một thói quen đã khó phá vỡ thói quen còn khó hơn! Bởi vậy, khi quá quen những câu thơ cũ, nhiều người khó có tâm lý dễ dàng chấp nhận bài thơ mới (khác biệt) là dễ hiểu.
Ở bài thơ này, có chăng là sự gượng ép ở câu cuối “Bắt nạt là rất hôi”. Cách sử dụng ngôn ngữ này, có lẽ cho hợp khuôn vần (hôi khuôn vần với rồi ở câu trên, trước đó? có lẽ do hôi là đối lập với thơm - mùi được yêu thích chăng?! Để từ đó khuyên nhủ không nên bắt nạt người khác. Tuy vậy, câu thơ cũng để lại ấn tượng bởi cách dùng từ khác biệt, không giống như hô khẩu hiệu.
Và, toàn bài thơ, vẫn là giọng điệu trẻ con đó chứ! Tác giả làm bài này khi đã ngoài 30 tuổi, vậy là, anh đã nhập thân vào con trẻ để sử dụng ngôn ngữ và tâm lý trẻ em. Tôi cho rằng ngày nay, khi học không theo lối mòn xưa! Khi thầy không còn là người toàn quyền rót kiến thức vào cái bình trống rỗng là học trò nữa thì bài thơ này được chọn đưa vào sách giáo khoa cũng có nguyên do thỏa đáng.
Thêm nữa, hiện nay với cách học để phát triển tối đa năng lực cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương không phải “học gì thi nấy” nữa! bài học trong sách giáo khoa cũng chỉ là một ngữ liệu để học sinh hình thành cách nhận diện, tiếp cận và hiểu vấn đề nhằm giải quyết vấn đề.
Trước kia học truyện cổ tích Tấm Cám là thi vào Tấm Cám! nay học Tấm Cám có thể thi Sọ Dừa hoặc Cây tre trăm đốt… tức là người dạy là người gợi ý, quan sát, tổng kết những cách thể hiện năng lực tự tiếp cận văn bản của học sinh, giúp cho học sinh nắm được bản chất kiến thức chứ không phải giúp học sinh thuộc lòng một bài giảng cụ thể.
Bài thơ “Bắt nạt” là một ngữ liệu cho học sinh để giáo dục tinh thần đoàn kết và thông qua lời khuyên không được bắt nạt bạn bè! Bài thơ có thể chưa xuôi tai nhưng như thế lại tạo sự thú vị. Thực tế qua giảng dạy, qua khảo sát, thấy học sinh có yêu thích bài thơ, giáo viên dạy môn Ngữ văn cũng nhiều người khen!
Xin được chúc mừng tác giả bởi ít ra, trong một thời gian dài, có thể hơi phiền phức nhưng chính anh đã làm cho diễn đàn văn học nghệ thuật bớt tĩnh lặng ! Đó cũng là cách để lại dấu ấn trong cuộc đời và sự nghiệp văn chương!
BẮT NẠT
Bắt nạt là xấu lắm
Đừng bắt nạt, bạn ơi
Bất cứ ai trên đời
Đều không cần bắt nạt
Tại sao không học hát
Nhảy híp-hóp cho hay?
Thời gian trong một ngày
Đâu để dành bắt nạt
Sao không ăn mù tạt
Đối diện thử thách đi?
Thử kẻ yếu làm gì
Sao không trêu mù tạt?
Những bạn nào nhút nhát
Thì là giống thỏ non
Trông đáng yêu đấy chứ
Sao không yêu, lại còn...?
Đừng bắt nạt người lớn
Đừng bắt nạt trẻ con
Đừng bắt nạt nước khác
Trên khắp trái đất tròn
Đừng bắt nạt mèo, chó
Đừng bắt nạt cái cây
Đừng bắt nạt ai cả
Vì bắt nạt dễ lây
Bạn nào bắt nạt bạn
Cứ đưa bài thơ này
Bảo nếu cần bắt nạt
Thì đến gặp tớ ngay
Cứ đến bắt nạt tớ
Bị bắt nạt quen rồi
Vẫn không thích bắt nạt
Vì bắt nạt rất hôi!
(Nguyễn Thế Hoàng Linh, “Ra vườn nhặt nắng”, Nhà xuất bản Thế giới, 2017)
Những bài thơ trong sách Ngữ văn hoặc Tiếng Việt (sách cũ) rất hay, có thể trường tồn cùng năm tháng! nhưng không vì thế ta không mở lòng đón nhận sự khác biệt! Hãy thêm vào hành trang một ngăn ngữ liệu mới để mai này thành kho ký ức nhiều ngăn phong phú, đa sắc màu! Tôi cũng không có ý phản bác ai có cách hiểu khác mình bởi Lý luận văn học đã chỉ rõ, tiếp nhận văn học phụ thuộc nhiều yếu tố: Sở thích, tuổi tác, môi trường, không gian, thời gian… do vậy một tác phẩm ra đời được đón nhận bằng nhiều cảm xúc, thậm chí phản ứng khác nhau là lẽ bình thường!