Băng rừng, lội suối nâng chất lượng phổ cập giáo dục Mầm non

Toán - Đức | 10/06/2022, 06:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để nâng chất lượng phổ cập giáo dục mầm non vùng khó, nhiều thầy, cô phải băng rừng, lội suối vào tận bản để huy động trẻ ra lớp.

Theo Hiệu trưởng Lê Thị Phượng, một trong những khó khăn của nhà trường đó là tỷ lệ học sinh là con em người dân tộc thiểu số chiếm tới 99%. Đa số trẻ có điểm chung là bố, mẹ đi làm ăn xa, nên sự quan tâm cũng như quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ của nhà trường gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, hiện nhà trường cũng đang phải huy động phụ huynh góp tre, luồng, gỗ để làm đồ chơi ngoài trời cho bé tại các điểm trường lẻ.

Nhiều đêm trăn trở

Tháng 6/2021, cô Hoàng Thị Hằng được điều động công tác lên Trường Mầm non Tam Văn (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) giữ vai trò Hiệu trưởng. Ngôi trường thuộc vùng khó khăn của huyện với 1 điểm chính, 2 điểm lẻ và đã hoàn thành PCGDMN trẻ 5 tuổi từ năm 2004.

Tuy nhiên, để nâng chất lượng PCGDMN đối với ngôi trường thuộc vùng khó của xứ Thanh còn gặp nhiều thách thức. Đặc biệt là tại các điểm trường lẻ như bản Phá, đường đi lại khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhiều hạng mục như phòng học có dấu hiệu xuống cấp: ngấm dột, bong tróc trần nhà…

Theo cô Hằng, mặc dù trẻ mẫu giáo đến trường được nhận chế độ hỗ trợ của nhà nước song mức hỗ trợ còn thấp. Trong khi đó, trẻ nhà trẻ chưa được hưởng chế độ đãi ngộ gì, điều kiện gia đình lại khó khăn, vì vậy tỷ lệ ra lớp còn ít và chưa chuyên cần.

Làm thế nào để nâng chất lượng PCGDMN vùng khó trước thực trạng vô vàn những khó khăn đã khiến nữ hiệu trưởng này nhiều đêm trăn trở. Bằng sự đoàn kết trong độ ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV) cùng sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Trường Mầm non Tam Văn đã từng bước đẩy lùi những khó khăn.

Ban giám hiệu nhà trường đã bổ sung các điều kiện về trang thiết bị tài liệu, học liệu. Đồng thời, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số tại các điểm trường lẻ, để chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1.

Điểm trường bản Phá của Trường Mầm non Tam Văn còn gặp nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, nhiều dốc cao, vực sâu.

Cải tạo khuôn viên vườn hoa cây cảnh xanh – sạch – đẹp ở tại 3 điểm trường để cho trẻ được hoạt động. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ GV nên tỷ lệ CBGV chưa đạt chuẩn nghề nghiệp hiện nay không còn.

Không chỉ vậy, trong năm học 2021-2022, nhà trường có 6 GV giỏi cấp huyện, 5 sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại cấp huyện, 2 sáng kiến được gửi đi đánh giá, xếp loại cấp tỉnh.

Cũng trong năm học vừa qua, tỷ lệ trẻ mẫu giáo huy động đến trường đúng độ tuổi là 147/145 trẻ, đạt tỷ lệ 101%, riêng lớp 5 tuổi huy động 55/53 cháu, đạt 103,7%. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ nhà trẻ được huy động ra lớp mới đạt khoảng 45%.

“Đặc biệt, năm học 2021-2022 nhà trường đã kêu gọi sự hỗ trợ của một số cá nhân, tổ chức. Trong đó, câu lạc bộ (CLB) Nuôi em Thanh Hóa ủng hộ quần áo, mũ, tất, sách, bút… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay có 105 cháu được CLB này hỗ trợ tiền ăn hàng năm với mức 7.000 đồng/cháu/ngày”, cô Hằng chia sẻ.

Theo cô Hằng, hiện tại nhà trường tiếp tục tăng cường công tác huy động trẻ ra lớp; đẩy mạnh trang trí nhóm lớp theo chủ đề giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp với phụ huynh và cộng đồng trong việc bảo đảm điều kiện thực hiện chế độ sinh hoạt cho trẻ trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non…

Trải qua 16 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, nữ hiệu trưởng Hoàng Thị Hằng cho rằng, đằng sau những khó nhọc chính là niềm hạnh phúc khi nhìn thấy học trò thay đổi tích cực mỗi ngày.

“Niềm hạnh phúc nhất của thầy, cô giáo đang giảng dạy, cống hiến ở vùng sâu, vùng xa theo tôi đó là nhìn thấy học trò thay đổi tích cực hàng ngày, được phụ huynh và địa phương tin yêu… Làm được những điều đó, đã là nguồn động lực lớn nhất đối với những thầy cô đang công tác tại vùng sâu, vùng xa như chúng tôi”, cô Hằng bộc bạch.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bang-rung-loi-suoi-nang-chat-luong-pho-cap-giao-duc-mam-non-YYssMGj7R.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bang-rung-loi-suoi-nang-chat-luong-pho-cap-giao-duc-mam-non-YYssMGj7R.html
Bài liên quan
Tạo sân chơi cho trẻ mầm non phát huy khả năng sáng tạo
Khi được mở cửa trở lại học trực tiếp, trẻ được tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau để tăng tính năng động và phát huy khả năng sáng tạo của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Băng rừng, lội suối nâng chất lượng phổ cập giáo dục Mầm non