Bản chất của hành động bạo lực là một hành vi gây hấn, hành vi này là để thể hiện vị thế hay sức mạnh của người gây hấn. Ngoài ra, gây hấn cũng có thêm một ý nghĩa khác đó là để tự vệ. Tuy nhiên, trong xã hội loài người ngày nay, khi người ta sử dụng đến hành vi gây hấn thì chủ yếu là để gây nên tổn hại cho người khác, chứ gần như không còn ý nghĩa tự vệ hay bảo vệ .
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thu Hương, hậu quả để lại cho những câu chuyện bạo lực nói chung và bạo lực học đường nói riêng là rất đau lòng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn làm ảnh hưởng đến tâm lý của các em một cách sâu sắc và kéo dài.
"Một điều rất đáng lưu ý đó là những tổn hại về mặt thể chất của các em như khi bị đánh thì thường được người lớn để ý và hầu như sẽ tìm ngay cách để giải quyết. Còn đối với những tổn hại về tinh thần như bị bắt nạt bằng lời nói thì phần lớn lại được người lớn bỏ qua một cách dễ dàng.
Hành vi bạo lực kéo dài sẽ gây ra sự tổn hại về mặt tinh thần rất lớn, thậm chí khó có thể chữa lành cho các con. Ảnh minh họa.
Các bậc phụ huynh không hiểu được rằng, nếu ngay từ đầu đã bỏ qua những hành vi bạo lực dù rất nhỏ về mặt tinh thần, thì hành vi đó sẽ không thể kết thúc. Bởi khi con của bạn đã trở thành nạn nhân thì liên tục sẽ trở thành nạn nhân.
Hành vi bạo lực kéo dài sẽ gây ra sự tổn hại về mặt tinh thần rất lớn, thậm chí khó có thể chữa lành cho các con. Nguy hiểm hơn sẽ khiến con rơi vào tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài, hay trầm cảm và có thể đi đến hành vi cuối cùng là tự sát, từ bỏ thế giới để né tránh những hành vi bạo lực", Chuyên gia tâm lý phân tích.
PGS.TS. Nguyễn Thu Hương cũng cho biết thêm, rất nhiều trường hợp học sinh bị các bạn cô lập, bạo lực nhưng lại giấu giếm không cho ai biết khiến sự việc ngày càng tồi tệ hơn. Việc các em che giấu khi bị bạo lực là yếu tố lớn để tiếp tục thúc đẩy hành vi bạo lực. Điều này không khác gì việc che giấu tội phạm, lúc này kẻ phạm tội sẽ tiếp tục có cơ hội để thực hiện hành vi của mình.
"Nên khi bị bạo lực các em cần có sự phản ứng ngay lập tức bằng những kỹ năng tự vệ cho bản thân. Ngoài kỹ năng tự vệ từ mặt thể chất, cha mẹ cũng cần trang bị sẵn cho con những kỹ năng để tự vệ trước những lời nói, thái độ, phương thức… của bạo lực tinh thần.
Cha mẹ và thầy cô cần phải ý thức rất rõ về vấn đề này, tránh việc khi con chia sẻ bản thân bị bạo lực thì cha mẹ lại cho rằng đó không phải là vấn đề to tát. Hay thầy cô lại chỉ đưa ra những hình phạt thật nặng mà không giải quyết vấn đề triệt để, không có bất cứ một chế tài nào để ngăn chặn sự việc thì có thể sẽ càng thúc đấy những hành vi bạo lực nhiều hơn",
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Hương cũng đưa ra quan điểm, để chấm dứt những hành vi bạo lực học đường thì cần phải nâng cao nhận thức cho toàn bộ cộng đồng. Bằng cách tuyên truyền, giáo dục để mọi người đều ý thức được những biểu hiện và hậu quả của hành vi bạo lực, không chỉ đối với người bị bắt nạt mà còn đối với những người thực hiện hành vi bạo lực.