Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi được cho là đã đồng ý với thỏa thuận trên khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh dành cho các quốc gia châu Phi mà Moskva tổ chức tại St. Petersburg vào tháng 7 vừa qua.
Người phát ngôn Chính phủ Ai Cập Diaa Rashwan từ chối bình luận về việc liệu Ai Cập có chuyển lại động cơ trực thăng hay không. Ông nói rằng Cairo sẽ không thỏa hiệp với an ninh của chính mình trước các mối đe dọa khu vực khác nhau ngay cạnh nước này.
Ông Rashwan nêu rõ: “Ai Cập, bất kể mức độ cam kết tích cực với bất kỳ quốc gia nào - kể cả Nga - đều không sẵn sàng từ bỏ khả năng vũ trang của mình cho một thực thể khác”. Tuy nhiên, 3 nguồn tin cấp cao từ Mỹ cho biết Ai Cập đang có kế hoạch bắt đầu gửi lại khoảng 150 động cơ vào tháng 12 năm nay.
WSJ lưu ý những cuộc đàm phán như vậy là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Điện Kremlin nhằm vào các khách hàng vũ khí lâu năm của mình, những người trong nhiều thập kỷ đã mua máy bay, tên lửa và hệ thống phòng không của Nga, đưa nước này trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới.
Trong suốt cả năm, Moskva đã tổ chức các cuộc đàm phán với các quan chức từ Pakistan, Belarus và Brazil để cố gắng mua động cơ cho các trực thăng tấn công và vận tải của Nga đã bị tổn thất trong cuộc xung đột với Ukraine kể từ tháng 2/2022, một cựu sĩ quan tình báo Nga cho biết.
Một người am hiểu về hoạt động mua lại trên nói với WSJ: “Nga đã dành nhiều thập kỷ để xây dựng hoạt động buôn bán vũ khí của mình. Bây giờ Moskva đang bí mật quay lại với khách hàng truyền thống để mua những gì đã bán cho họ”.
Trong các trường hợp khác, Nga đã hy sinh một phần hoạt động kinh doanh xuất khẩu vũ khí của mình để phục vụ cho cuộc xung đột ở Ukraine, chuyển hướng vũ khí dành cho Ấn Độ và Armenia tới tiền tuyến của Nga.
Theo tạp chí trên của Mỹ, Nga đã đề nghị Pakistan hoàn lại ít nhất 4 động cơ cho trực thăng Mi-35M. Bộ Ngoại giao Pakistan phủ nhận việc Moskva tiếp cận nước này. Trong khi đó, Belarus được cho là đã bán lại 6 động cơ trực thăng vận tải Mi-26 cho Nga.
Nga cũng muốn mua lại 12 động cơ của trực thăng Mi-35M từ Brazil, loại máy bay đã ngừng hoạt động từ năm ngoái, nhưng một quan chức Bộ Ngoại giao Brazil cho biết nước này đã từ chối lời đề nghị, phù hợp với chính sách không gửi vũ khí cho cả hai bên trong cuộc xung đột.
WSJ kết luận việc tăng cường kho vũ khí của mình thông qua mua lại trùng hợp với bối cảnh Nga đang tăng cường sản xuất đạn dược, phụ tùng và hệ thống vũ khí để hỗ trợ cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ ba với Ukraine.