Văn hóa

Hà Nội: Phát huy giá trị văn hóa làng nghề

16/04/2025 06:49

Với những sản phẩm văn hóa độc đáo cùng bề dày lịch sử, du lịch văn hóa làng nghề đã trở thành một thế mạnh của Hà Nội.

Phát triển du lịch văn hóa làng nghề truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn bản sắc dân tộc và phát triển công nghiệp văn hóa, tạo động lực quan trọng giúp thúc đẩy nền kinh tế.

Phát huy thế mạnh

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay cả nước có 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống. Hà Nội vốn được mệnh danh “đất trăm nghề”, là địa phương tập trung số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề.

Trong đó, thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, hiện có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Hà Nội công nhận. Những năm qua, các làng nghề trên địa bàn Hà Nội phát triển tương đối ổn định.

Trong đó, mỗi làng nghề đều mang đậm bản sắc riêng, với thế mạnh về văn hóa, lịch sử thu hút khách du lịch ghé thăm để tìm hiểu. Bên cạnh đó, các làng nghề lại có sản phẩm thủ công riêng biệt độc đáo, rất thuận tiện để xây dựng các chương trình du lịch kết hợp.

Những năm gần đây, cùng với xu thế hội nhập và mở cửa, rất nhiều làng nghề đã tiên phong trong loại hình du lịch văn hóa tổng hợp, thu hút du khách tới tham quan, tìm hiểu về giá trị văn hóa lịch sử và mua sắm các sản phẩm đặc trưng.

Nhiều làng nghề đã trở thành điểm đến du lịch mới mẻ của Thủ đô, thu hút đông đảo du khách đến thăm mỗi năm. Nổi bật trong số đó là làng gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng sơn mài Hạ Thái, làng tạc tượng Sơn Đồng…

Theo các chuyên gia, hệ thống các làng nghề phong phú, đa dạng là thế mạnh giúp Việt Nam có cơ hội đa dạng hóa các loại hình du lịch, quảng bá văn hóa mỗi vùng miền. Đồng thời, khôi phục, phát triển một số làng nghề có nguy cơ bị mai một, thất truyền góp phần phát triển kinh tế cho những hộ gia đình và cá nhân làm nghề.

Chia sẻ về lợi ích của việc phát triển làng nghề thành điểm đến du lịch, bà Phạm Thị Thu (làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông) cho biết, trước hết đây là phương thức giúp quảng bá tên tuổi của làng nghề.

Có thể thấy đa số du khách quốc tế khi đến Việt Nam đều muốn mang theo về một món đồ thủ công mỹ nghệ, bởi những sản phẩm này luôn chứa đựng nét độc đáo và tinh tế nhất của một nền văn hóa. Không ít du khách đã mua hàng và đặt các đơn hàng sản phẩm với mẫu mã, kiểu dáng, kỹ thuật họ yêu cầu.

Bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, làng Hạ Thái, xã Duyên Thái (Thường Tín, Hà Nội) là một trong số các điểm du lịch làng nghề nổi tiếng của Thủ đô, nổi danh với nghề làm sơn mài. Đến với vùng đất này, chúng ta sẽ được nghe những nghệ nhân kể về lịch sử hình thành và phát triển. Trước đây, phường Cự Tràng chính là tiền thân của làng nghề làm sơn mài.

Sau đó, làng đổi tên thành Đông Thái, rồi đổi thành Hạ Thái. Cái tên Hạ Thái đã đi theo làng nghề từ đó đến bây giờ. Qua hai bức hoành phi câu đối sơn son thếp vàng bằng sơn mài được thờ trong đình làng, nghề sơn mài được xác định có ở đây từ thế kỷ 17, chủ yếu tạo tranh nghệ thuật sơn mài trên các vật dụng dâng vua chúa, hoàng tộc.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hồi (68 tuổi, người làng Hạ Thái), vào những năm 30 của thế kỷ trước, ngôi làng chứng kiến nhiều đổi thay lớn trong quá trình giao lưu cải biến văn hóa Đông - Tây. Những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi, phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre…

Họ tiên phong đưa thêm kỹ thuật mài để tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo trứ danh của làng nghề. Bà Hồi chia sẻ, hiện nay làng nghề Hạ Thái thu hút được đông đảo khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.

“Các đoàn khách du lịch ghé thăm khá đông. Họ thích thú khi nhìn thấy những sản phẩm được làm thủ công rất tỉ mỉ và tinh xảo. Họ rất tò mò và muốn tìm hiểu về nghề của mình, các công đoạn làm ra sản phẩm ra sao. Các sản phẩm sơn mài với nét vẽ đậm đà sắc thái dân tộc như Chùa Một Cột, phố cổ Hà Nội, nón lá... đặc biệt được du khách quốc tế ưa chuộng.

Công đoạn thú vị và khiến họ hào hứng nhất là được trải nghiệm tự tay vẽ sơn lên những bức tranh, trang trí chúng bằng vỏ trứng, tạo đường nét...Trong quá trình du khách trải nghiệm, hướng dẫn viên du lịch cũng chia sẻ cho du khách về lịch sử, quá trình phát triển của làng nghề”, nghệ nhân cho biết.

Mong ước lớn nhất của bà Hồi là nghề sơn mài sẽ được giữ gìn và phát triển, mang lại giá trị kinh tế cho người dân nơi đây. Một trong những giải pháp tạo động lực phát triển chính là lan rộng mô hình du lịch làng nghề, để từ đó các sản phẩm được nhiều người biết đến hơn.

Trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn và tạo tiền đề để phát triển bền vững các làng nghề, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Quyết định số

282/KH-UBND phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đề án đặt mục tiêu: Giai đoạn 2025 - 2030, Hà Nội khôi phục, bảo tồn được ít nhất 5 nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới ít nhất 10 nghề và 25 làng nghề, làng nghề truyền thống; phát triển được ít nhất 3 làng nghề gắn với du lịch, hình thành 10 tour tuyến du lịch làng nghề, trải nghiệm.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-phat-huy-gia-tri-van-hoa-lang-nghe-post727121.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-phat-huy-gia-tri-van-hoa-lang-nghe-post727121.html
Bài liên quan
Hà Nội đầu tư 880 tỷ đồng xây cầu vượt nút giao Lê Trọng Tấn (Hà Đông) với QL6, quy mô 4 làn xe ngay sát tòa FLC Star Tower
Hà Nội vừa duyệt đầu tư cầu vượt 4 làn xe nút Lê Trọng Tấn – Quốc lộ 6 dài 883m, dự kiến tổng vốn đầu tư gần 880 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 2026–2028, đảm bảo kết nối hạ tầng đồng bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Phát huy giá trị văn hóa làng nghề