Vào tháng 8/2013, nhóm “Trở về nguồn gốc” và TS Nishimura Masanari được vinh danh Giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu dành cho Hà Nội và bởi những đóng góp của họ cho cộng đồng. Thật không may, Nishimura không có mặt để nhận giải thưởng khi ông đã qua đời trong một vụ tai nạn 2 tháng trước đó.
Nishimura không còn nhưng di sản khảo cổ và bảo tàng nhỏ bé mà ông để lại được ví như “tiếng vọng Kim Lan”. Đó là hành trình truyền cảm hứng khám phá di sản văn hóa của một ngôi làng cổ. Với sự chung tay của cộng đồng, bảo tàng đã đánh thức và tái hiện một quá khứ phồn thịnh, tiếp nối mạch nguồn tôn vinh bản sắc văn hóa.
Nhiều thợ gốm từng làm công cho Bát Tràng đã trở về khôi phục lại nghề. |
Thường khi nhắc đến khảo cổ học, người ta chỉ đơn thuần nghĩ đến việc nghiên cứu qua các cuộc khai quật với mục đích chung là cung cấp kết quả nghiên cứu để xây dựng các chính sách văn hóa và khoa học. Tuy nhiên, khảo cổ học không chỉ có ý nghĩa học thuật, mà còn có nội dung quan trọng khác xuất phát từ thực tế cuộc sống và lợi ích cộng đồng.
Nishimura giúp người dân hiểu rằng, họ có lợi ích từ việc bảo vệ di sản và chịu trách nhiệm với di sản ấy. Điều này đồng nghĩa việc người dân Kim Lan đóng góp vào các hoạt động khảo cổ, tham gia vào các cuộc khai quật… và trở thành những nhà khảo cổ học tự thân. Họ sẽ hiểu hơn ai hết về nghề của cha ông, về vật liệu và cách thức mà người xưa đã thực hiện, tạo sự gắn kết và nhận thức về giá trị của quá khứ.
Từ sự thức tỉnh ấy, các lò gốm dần được khôi phục, các thợ gốm Kim Lan đang làm công bên Bát Tràng trở về tạo dựng lại cơ ngơi của làng. Những mẫu gốm mới kết hợp với mẫu thời xưa được những bàn tay khéo léo nhào nặn, quay gọt bằng chính dòng đất Kim Lan tạo ra một thứ gốm nhẹ, bền, mịn và đẹp mắt.
Hiện nay, Bảo tàng gốm Kim Lan có hơn 300 mẫu vật là kết quả của những lần khai quật được cất giữ, từ gốm xây dựng thời Cao Biền cho tới thời Lý - Trần. PGS.TS Nguyễn Giang Hải - Viện Khảo cổ học cho biết, mặc dù một số người nghi ngại về việc xây dựng khảo cổ học cộng đồng ở Việt Nam, nhưng làng gốm Kim Lan đã chứng minh rằng dân trí và sự tự giác của người dân không hề thấp. Bảo tàng gốm Kim Lan là thành công đầu tiên của dự án khảo cổ học cộng đồng tại Việt Nam.
Qua câu chuyện kết hợp giữa các nhà khảo cổ và cộng đồng địa phương cho thấy, khảo cổ học cộng đồng tạo ra những liên kết đáng quý giữa người dân và các tổ chức. Sự đồng lòng và hợp tác giữa các bên đã tạo ra một mô hình bền vững, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng và di sản văn hóa.
Với tinh thần này, dự án khảo cổ học cộng đồng tạo ra một môi trường cùng nhau phát triển, nơi mà mọi người có thể chia sẻ kiến thức, kỹ năng và truyền thụ những giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ. Qua các hoạt động giáo dục và truyền thông, cộng đồng có thể lan tỏa những giá trị văn hóa và khuyến khích sự quan tâm và tham gia của tất cả mọi người.
Ở Kim Lan hơn 20 năm trước, nếu như Nishimura không cùng người dân khám phá khảo cổ, không cùng người dân đào bới phân loại và gìn giữ hiện vật, có lẽ sẽ không có một Kim Lan được đánh thức các giá trị, không có một bảo tàng để tôn vinh và tự hào.
Là một nhà nhân chủng học văn hóa tại Đại học Tokyo, năm 1990 Nishimura đến thăm Việt Nam như một phần của sự hợp tác giữa khảo cổ học Nhật Bản và Việt Nam. Sau hơn 20 năm làm việc tại Việt Nam, Nishimura qua đời ngày 9/6/2013 trong một vụ tai nạn giao thông khi đang trên đường tiến hành nghiên cứu thực địa tại Bắc Ninh. Vào tháng 9 tới, Bảo tàng làng gốm Kim Lan sẽ mở cửa trở lại như một hoạt động tưởng nhớ ông và cũng là dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.