Bảo tàng công - tư bắt tay kể chuyện di sản

Trần Hoà | 17/06/2022, 14:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lần đầu tiên, hai bảo tàng công – tư cùng nhau tổ chức triển lãm hơn 300 cổ vật gốm, để kể câu chuyện về những dòng chảy văn hóa của đất Kinh thành Huế.


GS.TS Thái Kim Lan hiện là Giám đốc Bảo tàng gốm cổ sông Hương.

Mong thêm nhiều “cái bắt tay”

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế, cho biết, triển lãm không chỉ tạo mối liên kết giữa bảo tàng văn hóa công – tư, mà còn giúp các nhà nghiên cứu và du khách đến với Huế có thêm tư liệu trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản dưới nước.

Triển lãm trưng bày hơn 300 hiện vật bao gồm bình vôi, gốm, sứ… và những cổ vật từng nằm im dưới lớp phù sa của hai con sông chảy qua Huế. Trong đó, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế đóng góp hơn 160 hiện vật. Số còn lại là hiện vật lấy từ bộ sưu tập gốm cổ sông Hương của GS.TS Thái Kim Lan - Giám đốc Bảo tàng gốm cổ sông Hương.

GS.TS Thái Kim Lan đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng và hình thành Bảo tàng gốm sông Hương tại không gian nhà vườn – từ đường của gia đình. “Thái tộc từ đường” là một trong những khu nhà vườn độc đáo được xây dựng cách đây khoảng 200 năm với kiến trúc nhà rường truyền thống xứ Huế.

Không chỉ là một bảo tàng tư nhân, ngôi từ đường nổi tiếng này từng diễn ra các chương trình âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy và những buổi triển lãm áo dài hay giao lưu thơ ca… Để tạo dựng lại không gian văn hóa đặc sắc của Huế, bà Thái Kim Lan đã từ Đức trở về và phải mất vài năm để dọn dẹp, cải tạo lại không gian.

Khoảng 40 năm trước, gia đình bà Thái Kim Lan đã tiến hành sưu tầm cổ vật dưới dòng sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu... như một cách để hiểu sâu sắc hơn về văn hóa lịch sử Huế.

Đến nay, bộ sưu tập gốm cổ sông Hương của cố họa sĩ Thái Nguyên Bá và GS.TS Thái Kim Lan đã lên đến vài nghìn hiện vật. Trong đó có không ít tiêu bản quý hiếm và tiêu biểu của các nền văn hóa Sa Huỳnh – Chăm Pa - Đại Việt.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên – Huế, cho hay: “Sưu tập gốm sông Hương không chỉ quý, mà còn rất đầy đủ các loại hiện vật tiêu biểu cho hầu hết các thời kỳ lịch sử. Và gần đây, do những cơ duyên đặc biệt, một số hiện vật có giá trị của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã được tích hợp vào bộ sưu tập này”.

Hiện tại, GS.TS Thái Kim Lan đã có trong tay 4 bộ sưu tập quý, gồm: Gốm sông Hương, áo dài triều Nguyễn, đồ đồng và đồ gỗ. Với tổng gần 5.000 hiện vật gốm cổ, Bảo tàng gốm cổ sông Hương của bà Thái Kim Lan được đánh giá là bảo tàng tư nhân đầu tiên hội tụ đầy đủ các giá trị di sản của xứ Huế.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, cho biết: Các cổ vật đã tự kể câu chuyện về một giai đoạn lịch sử của vùng đất cố đô. Mong rằng, ngành văn hóa Huế sẽ nhận được nhiều “cái bắt tay” từ nhà sưu tập cổ vật cũng như các bảo tàng tư nhân, để công chúng được thưởng lãm thêm các hiện vật có giá trị.

Bài liên quan
Thùy Tiên tặng trang phục dự thi cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
(GDTĐ) - Hoa hậu Thùy Tiên đã cùng các nhà thiết kế Tín Thái, Nguyễn Minh Tuấn, Song Toàn đã tặng trang phục dự thi Miss Grand International 2021 cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tàng công - tư bắt tay kể chuyện di sản