Ngành bảo tàng qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai

Trần Hoà | 10/02/2022, 16:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau 2 năm đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, tín hiệu vui trong năm mới đến với ngành bảo tàng khi nhiều du khách quay trở lại.

Khách tham quan xếp hàng mua vé vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.Khách tham quan xếp hàng mua vé vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Theo thống kê do Hội đồng Bảo tàng Quốc tế thực hiện, khoảng 95% bảo tàng trên toàn thế giới đã phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19, các bảo tàng thế giới mất tới trên 70% khách. Tại Việt Nam, một số bảo tàng thích ứng linh hoạt bằng hoạt động tham quan trực tuyến.

Lượng vé kỷ lục

Tuy nhiên, trưng bày trực tuyến dù có lợi cho công chúng vì không mất phí tham quan, không cần đến bảo tàng vẫn thấy rõ hiện vật nhưng bảo tàng lại không có nguồn thu. Điều này khiến các nhà quản lý bảo tàng đau đầu nhưng không có phương án hài hòa hơn.

Sau 2 năm hoạt động cầm chừng, tín hiệu vui vào đầu năm mới 2022 khi nhiều bảo tàng mở cửa trở lại và thu hút lượng khách tham quan rất lớn. Một số bảo tàng có lượng vé bán ra đạt mức kỷ lục với 4 con số.

Họa sĩ Lê Quốc Huy, cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, chưa có Tết năm nào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đón khách tham quan xếp hàng mua vé kỷ lục như năm nay.

Thông tin từ lãnh đạo bảo tàng này cho biết, chỉ trong 3 ngày đầu mở cửa dịp Tết (từ mùng 2 đến mùng 4 Tết), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đón gần 2.000 lượt khách tới tham quan. Trong đó 350 lượt khách trải nghiệm ứng dụng thuyết minh đa phương tiện để tìm hiểu kỹ hơn về các tác phẩm nghệ thuật.

Riêng ngày mùng 5 Tết, lượng vé bán ra của bảo tàng đã đạt mức 4 con số, một con số kỷ lục trong lịch sử phát triển của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Khách tham quan đến với bảo tàng đa dạng về quốc tịch, lứa tuổi, ngành nghề. Đặc biệt, giới trẻ có phần đông đảo hơn hẳn do được tiếp cận nhiều với các thông tin trên Facebook của bảo tàng. Ngoài chiêm ngưỡng và tìm hiểu về hiện vật, du khách còn chọn bảo tàng là địa điểm lưu giữ những kỷ niệm cùng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Đến tham quan bảo tàng vào dịp đầu xuân, du khách được ngắm nhìn những tác phẩm thuộc nhiều chất liệu của các tác giả nổi tiếng được giới thiệu trên hệ thống trưng bày thường xuyên, chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia, ngắm tranh dân gian tứ bình và trải nghiệm in tranh Đông Hồ tại triển lãm “Sắc xuân”, chụp ảnh lưu niệm với kiến trúc Pháp cổ, những bức tượng điêu khắc, sải bước trong khuôn viên của bảo tàng.


Khu trưng bày trang phục Samurai tại Bảo tàng vũ khí cổ.

Đầu tư để “hút” khách

Theo TS Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, muốn bán vé tham quan trực tuyến thì bảo tàng phải đầu tư lớn cả về độ “độc” của hiện vật lẫn tầm công nghệ. Trưng bày trực tuyến có tính lan toả tốt, nhưng hạn chế là mất khách khi bảo tàng mở cửa trở lại. Tuy nhiên, lượng khách đến các bảo tàng dịp đầu năm mới đem lại góc nhìn khác, là tín hiệu vui hứa hẹn ngành bảo tàng sẽ khởi sắc. 

Không chỉ các bảo tàng tại Hà Nội, từ ngày mùng 5 Tết, tại Bình Định tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2022). Do là năm lẻ (233 năm) cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên sự kiện này chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội.

Tuy nhiên theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định, vẫn có rất đông người dân và du khách về với Bảo tàng Quang Trung. Du khách đến thắp hương tưởng nhớ anh hùng áo vải, tham quan tìm hiểu các hiện vật lịch sử.

Theo thống kê, từ mùng 1 đến mùng 4 Tết, mỗi ngày có gần 6.000 lượt khách tham quan tại Bảo tàng Quang Trung và hệ thống các di tích trực thuộc như Đài Kính Thiên, Đền thờ song thân Tây Sơn Tam kiệt, Đền thờ Bùi Thị Xuân…

Để thu hút du khách lâu dài, nhiều dự án tại khuôn viên bảo tàng vẫn đang được tiếp tục trùng tu, phục dựng. Làm sống dậy dấu mốc vàng son của các triều đại phong kiến Việt Nam nói chung, khu du lịch Quang Trung nói riêng là chiến lược để Bình Định thu hút khách và quảng bá hình ảnh.

Bà Lê Bình Thanh - Bí thư Huyện ủy Tây Sơn cho biết, các di tích về văn hóa lịch sử liên quan đến phong trào Tây Sơn cũng như anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ được quan tâm đầu tư đã và đang thu hút rất nhiều du khách.

Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chỉ tính trong vài ngày đầu năm đã có 5.206 du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm với doanh thu phí ước đạt hơn 108 triệu đồng. Trong đó, bảo tàng tỉnh thu hút 1.982 lượt khách, di tích Bạch Dinh có 2.624 lượt khách và di tích trận địa pháo (không tổ chức thu phí) thu hút 600 lượt người đến tham quan.

Theo lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, để công tác đón tiếp khách tham quan được chu đáo, bảo tàng đã tổ chức chỉnh trang cảnh quan bên trong và bên ngoài. Sắp xếp, lắp đặt lại hệ thống biển báo, trồng nhiều cây và hoa tạo không gian tươi vui chào đón năm mới. Đồng thời, tổ chức phục vụ tiếp đón cách tốt nhất để níu chân du khách.

Không chỉ hệ thống bảo tàng tỉnh, Bảo tàng vũ khí cổ ở TP Vũng Tàu cũng mở cửa đón khách tham quan. Trung bình mỗi ngày đón khoảng 300 khách trong và ngoài nước.

Bảo tàng vũ khí cổ thành lập năm 2012 bởi ông Robert Taylor (75 tuổi, quốc tịch Anh). Bảo tàng nằm trong một tòa nhà Pháp cổ cùng một số công trình phụ trợ kế cận. Hiện tại, diện tích trưng bày của bảo tàng rộng khoảng 1.500m2, lưu giữ hơn 3.000 hiện vật vũ khí cổ đại tới hiện đại trên thế giới, hay quân phục Anh, Pháp, Hà Lan, Đức, Nga từ thế kỷ 17 - 20.

Trưng bày của bảo tàng rất sống động với các hình nộm có tỉ lệ bằng người thật. Phần trang phục hầu hết được phục chế, còn vũ khí thì phần nhiều là nguyên bản. Với những mảng chủ đề hiếm có, Bảo tàng vũ khí cổ được đánh giá là một trong những bảo tàng độc đáo nhất Việt Nam.

Bài liên quan
Nghĩ về giáo dục di sản
Mới đây, Bộ VH-TT&DL có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng chương trình phối hợp với ngành giáo dục trong hoạt động bảo tàng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành bảo tàng qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai