Từ khi thành lập bảo tàng, mỗi năm tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp 1 tỉ đồng phục vụ công tác sưu tập tranh. Trong 3 năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã sưu tập được trên 100 tác phẩm, trong số đó có nhiều tranh của các danh họa như Tôn Thất Đào, Mai Trung Thứ, Bửu Chỉ, Vĩnh Phối...
Đáng tiếc là vì thiếu không gian trưng bày, nên toàn bộ số tranh được hiến tặng cũng như sưu tầm đều phải “xếp kho”, không thể trưng bày để quảng bá và làm lan toả các giá trị văn hoá – nghệ thuật xứ Huế đúng như chức năng, nhiệm vụ của một bảo tàng.
Lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Huế cũng thừa nhận, hiện nay bảo tàng mới chỉ thực hiện được một nửa công năng - đó là sưu tập, lưu trữ, bảo quản tác phẩm.
Việc mua tranh về để “xếp kho” không chỉ lãng phí mà còn khiến người yêu nghệ thuật đau lòng lẫn nghi ngại, dẫn tới sự khó khăn trong công tác sưu tập. Bởi không hoạ sĩ nào muốn tranh của mình được sưu tập về để cất trong kho.
Theo giới mỹ thuật, Huế từng là nơi đào tạo, sinh sống cũng như hoạt động nghệ thuật của nhiều họa sĩ. Thế nhưng, Bảo tàng Mỹ thuật Huế được lập lại không xứng tầm với nét văn hoá đang có.
Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng dù tranh sưu tập về được bảo quản chuyên nghiệp nhưng lấy gì đảm bảo nhiều năm sau tác phẩm vẫn nguyên vẹn, không ẩm mốc hư hại. Số lượng tác phẩm tăng lên hằng năm, bảo tàng phải “ké” kho của 2 Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị. Tuy nhiên, không gian nhà kho cũng có giới hạn, bảo quản mãi mà không thể trưng bày thì những tác phẩm hội hoạ khác nào “nghệ thuật chết”.
Trao đổi với giới báo chí, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay: Một bảo tàng mỹ thuật là rất cần thiết cho một thành phố du lịch, văn hóa festival như Huế.
Trong khi đó, thông tin từ Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên - Huế, Sở này sẽ tổ chức một cuộc triển lãm quy mô về chủ đề “Mỹ thuật Huế: Quá khứ - hiện tại và tương lai” tại kỳ Festival Huế 2022 tới. Trong không gian trưng bày, Sở sẽ tính toán thuê khu vực phù hợp để công chúng thấy giá trị và thế mạnh của mỹ thuật Huế. Đồng thời, qua đó sẽ hiểu được cần có trụ sở và không gian trưng bày cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế.
Sở Văn hoá và Thể thao cũng cho biết, Bảo tàng Văn hóa Huế trực thuộc UBND TP Huế từng có trụ sở tại số 23 - 25 Lê Lợi. Đến năm 2020, bảo tàng khôg còn và trở thành một bộ phận trưng bày thuộc Trung tâm Văn hóa thông tin - thể thao TP Huế. Nếu được quan tâm để chọn nơi này làm trụ sở của Bảo tàng Mỹ thuật Huế thì phù hợp - gần với Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị và các không gian văn hóa ở bờ Nam sông Hương như đề án mà UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế từng phê duyệt.
Đầu tháng 10/2021, Hội đồng thẩm định sưu tầm tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế tiếp tục thẩm định và đề xuất mua thêm 13 tác phẩm mỹ thuật. Tuy nhiên, việc thiếu không gian trưng bày cũng như không gian bảo quản tác phẩm gây không ít nghi ngại trong dư luận cũng như giới làm nghệ thuật.