Hà Nội có lịch sử nghìn năm văn hiến, sở hữu hơn 20 di tích quốc gia đặc biệt, 1.163 di tích quốc gia, 1.441 di tích cấp địa phương... Thế nhưng, việc tiếp nối và phát huy các giá trị di sản lại không hề đơn giản. Hà Nội nên tập trung vào thúc đẩy các hoạt động sáng tạo trên nền văn hoá truyền thống. Nhưng thúc đẩy thế nào, sáng tạo ra sao vẫn còn là bài toán nan giải.
“Chìa khoá” bảo tồn
Xoay quanh Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo, hàng chục cuộc toạ đàm, hội thảo đã và đang diễn ra. Giới kiến trúc sư, bảo tồn di sản và nghiên cứu văn hoá đã ngồi lại với nhau để “mổ xẻ” phân tích các giá trị mà Hà Nội đang có. Đồng thời tìm ra “phương thuốc” sáng tạo hữu hiệu để cuộc sống đương đại tràn ngập các giá trị tinh hoa di sản.
Đặc biệt, tọa đàm “Di sản đô thị - Duy trì và phát triển tiếp nối” truyền tải công việc mà các kiến trúc sư về lĩnh vực di sản đã làm trong thời gian qua. Đồng thời, khẳng định giá trị để cộng đồng hiểu tầm quan trọng của các di sản, và từ đó kế thừa gìn giữ phát huy có hiệu quả.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, duy trì và phát triển tiếp di sản đô thị là việc rất nên làm. Di sản đô thị là một cấu trúc không gian lịch sử của đô thị, là không gian sống động, tồn tại trong một đô thị sống động, phát triển hằng ngày. Do đó cần có sự cải tạo, sáng tạo, duy trì và phát triển tiếp nối.
Đô thị là đỉnh cao của nền văn minh cộng cư và tồn tại trong thời gian dài. Đô thị trong lịch sử đều sở hữu tài sản - di sản của quá khứ dù lớn dù nhỏ. Mỗi đô thị chỉ có thể duy trì, bảo lưu và củng cố được diện mạo riêng, tâm hồn riêng và bản sắc riêng.
Đặc biệt, nếu đô thị ấy duy trì được dòng chảy tự nhiên, phát triển đô thị không đứt quãng, không gián đoạn vì lý do này hay lý do khác mà cuộc đời đô thị luôn xảy ra. Nếu cuộc đời các đô thị duy trì được dòng chảy, thậm chí trong thời đại phát triển cấp tốc mà vẫn giữ được dòng chảy tự nhiên trong sự sàng lọc thì nghĩa là đô thị ấy mới có thể đứng vững trong cuộc cạnh tranh.
“Đừng quên chủ nhân của di sản đô thị là người dân. Không thể bắt người dân vi phạm di tích là ngôi nhà người ta đang ở, không thể bắt người dân phải giữ nguyên bất động như di tích. Như ở Đường Lâm, người dân muốn cải tiến nhà vệ sinh cũng không cho làm. Nếu không có sự phát triển, không có sự duy trì tiếp nối thì người dân ở những di sản này sẽ trở thành những nhân vật “bảo tàng”. Chính vì thế, ứng xử với di sản đô thị là ứng xử với cộng đồng chủ nhân, và phải có cách ứng xử mềm mại - đó là “chìa khóa” của vấn đề”, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho hay.
Đừng “bóp cổ” dòng chảy di sản
Theo giới bảo tồn, Hà Nội là đô thị sở hữu nhiều di sản, khu phố cổ, khu Pháp thuộc, các làng cổ… Công trình kiến trúc cổ của người Việt không hoành tráng, mà ngược lại. Nghệ thuật tạo cảnh dung hoà mềm mại, hoà vào tự nhiên theo cách nhuần nhị. Cái đẹp của Hà Nội chính trong sự nhuần nhị, hoà quyện giữa khu phố tây và ta, hài hoà với nền cảnh quan thiên nhiên với nền là các làng cổ và các dòng sông.
Di sản giống như các dòng sông đang chảy, không nên – không được – không thể “bóp cổ” dòng chảy. Làm như vậy là đóng khung di sản trong bảo tàng, không thể phục vụ và tiếp nối dòng chảy lịch sử trong cuộc sống đương đại.
“Cần phân biệt thế nào là đô thị di sản và thành phố có di sản đô thị. Hà Nội có bề dày về niên đại lịch sử, nhưng những di sản kiến trúc hiện hữu phần lớn không quá 200 năm. Phải làm sao để các di sản của Hà Nội cộng sinh, phát triển cùng với sự phát triển hiện đại của Hà Nội, phải xác lập được cổ - cũ, nay - mai”, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nêu đề xuất.
Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, với đặc thù quận có nhiều di sản được biết đến với kiến trúc chuyên biệt, mang lợi thế về quy hoạch. Quận hướng tới tu bổ các di tích bị bỏ sót, bỏ quên, chuyển đổi thành không gian văn hoá, sáng tạo cộng đồng.
KTS. Nguyễn Hoàng Phương cho biết việc trùng tu khu phố cổ qua những công trình đã tôn tạo thành công ở khu phố Tạ Hiện, phố Lãn Ông, Đào Duy Từ, Hội quán Phúc Kiến và mới nhất là Hội quán Quảng Đông. Đối với công trình 22 Hàng Buồm, nhóm tôn tạo ngoài nghiên cứu kiến trúc, còn nghiên cứu chức năng để công trình không bị “đóng khung” như bảo tàng.
Các nhà văn hoá và kiến trúc sư nêu giải pháp phải tạo cho Hà Nội một vùng lõi, gồm khu phố cổ, khu phố tây, Hoàng thành Thăng Long, khu vực Ba Đình, Hồ Tây, các làng cũ, làng cổ có diện mạo riêng, đầy chất lịch sử, nhân văn để tạo ra hạt nhân cho sự phát triển tiếp theo của di sản Hà Nội.
Bên cạnh việc đánh giá tiềm năng con người và nguồn lực di sản, các chuyên gia đề xuất, Hà Nội cần tạo ra môi trường thông qua cơ chế phù hợp để giữ vững các giá trị bản sắc văn hoá, khơi dòng tiếp nối di sản và để hoạt động sáng tạo được phát triển.
“Các di sản đô thị cần được duy trì lâu dài bởi sự kết hợp mềm mại giữa bảo tồn với cải tạo thích ứng và với hiện đại hóa. Các di sản đô thị không chỉ là đối tượng của bảo tồn di sản văn hóa, mà là nguồn cội, tài nguyên nhân văn, tài sản lịch sử không thể chối bỏ trong sự mở mang và hiện đại hóa”.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính.