Còn nhớ năm 2020, dư luận bức xúc trước hành động “cấy” một công trình sai phạm có tên Panorama trên đèo Mã Pì Lèng. Sự việc ồn ào, Bộ VH-TT&DL phải yêu cầu tỉnh Hà Giang xử lý và tham vấn ý kiến chuyên gia để khắc phục hậu quả.
Tháng 6/2021, tỉnh Lào Cai ban hành quyết định công nhận thôn Choản Thèn, xã Y Tý (Bát Xát) là điểm du lịch. Sau quyết định đó thì một dự án rất lạ lùng được “đẻ” ra. Để thi công chòi ngắm cảnh ở Choản Thèn, người ta “nhốt” 2 cây cổ thụ khu vực công viên bằng hệ thống bê tông cốt thép.
Sự việc khiến Bộ VH-TT&DL phải đề nghị Lào Cai khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương có biện pháp khắc phục.
Với các dự án, xây dựng thế này thì luôn phải đặt câu hỏi ai tư vấn? Có quy hoạch hay không? Luật quy định thế nào, và trách nhiệm thuộc về ai?.
Chừng nào việc thực hiện Luật Di sản văn hoá chưa nghiêm minh, thì chừng đó còn tiềm ẩn vấn nạn xâm hại, phá huỷ di tích. Con người là hạt nhân cốt lõi của mọi di sản, con người tạo ra di sản nhưng cũng là thủ phạm chính huỷ hoại di sản.
Thế nên, nhân việc Bộ VH-TT&DL đề xuất sửa đổi Luật Di sản văn hóa thì cũng nên chú trọng đến yếu tố con người. Không thể để những kẻ đang tâm phá hoại di sản dửng dưng ngoài vòng pháp luật, vì như vậy sẽ tạo tiền lệ rất xấu khiến việc bảo tồn di sản mãi nằm trong vòng luẩn quẩn.