Hủy hoại di tích đình chùa Vàng

Trần Hoà | 07/01/2022, 09:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tiểu ban Quản lý di tích, lãnh đạo thôn cùng một số người dân thôn Vàng, xã Cổ Bi (Gia Lâm – Hà Nội) chặt cây, phá tường chùa Vàng, xâm phạm vào khu vực II của di tích quốc gia chùa Vàng.

Ảnh minh họa/INT.Ảnh minh họa/INT.

Sự việc xảy ra từ đầu năm 2021, đến nay đã 1 năm trôi qua nhưng việc hủy hoại, xâm phạm di tích vẫn chưa được giải quyết khiến dư luận và giới văn hoá vừa băn khoăn lẫn nghi ngại về chủ trương bảo tồn các giá trị di sản.

Trong biên bản đề nghị xếp hạng di tích cho đình chùa Vàng ngày 14/10/1994, đã khoanh vùng bảo vệ khu vực I có diện tích 4.752m2. Khu vực II bao gồm các thửa đất của kho hợp tác xã với diện tích 1.297m2. Khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích này kế thừa và tuân theo bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích đình và chùa thôn Vàng vẽ năm 1974.

Năm 2017, UBND huyện Gia Lâm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đình Vàng với diện tích 2.962,4m2. Ngày 27/12/2019, TP Hà Nội có Quyết định 7331/QĐ-UBND giao 2.761,3m2 cho chùa Vàng. Ngày 22/1/2020, Sở TN&MT Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa Vàng.

Thế nhưng, ngày 9/12/2020, Tiểu ban Quản lý di tích, lãnh đạo thôn cùng một số người dân thôn Vàng đã kéo đến chặt cây, phá tường chùa Vàng, xâm phạm vào khu vực II của di tích quốc gia chùa Vàng. Sau đó họ đổ đất, cho xây tường giật lùi vào phía trong khu vực đất thuộc khu vực II di tích gần 2m, kéo dài hơn 70m.

Tuy nhiên, cho đến nay đã 1 năm trôi qua nhưng những vi phạm này vẫn chưa hề được xử lý. Vì không bị xử lý, một số người xâm hại di tích lại được thể kiến nghị chính quyền xã Cổ Bi cho dùng khu vực II thành đất công, thành sân chơi thể thao.

UBND huyện Gia Lâm, thay vì chỉ đạo xử lý sai phạm, lại có Công văn số 3370/UBND-TN&MT ngày 18/10/2021 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị thu hồi đất thuộc khu vực II này của di tích.

Đến đây thì dư luận phải “ngã ngửa” về một quyết định đi ngược chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản.

Khác biệt với tỉnh Quảng Nam, cũng với quyết định thu hồi nhưng nhà cổ số 75 Nguyễn Thái Học (Hội An) nhằm mục đích gìn giữ công sản, bảo tồn nhà cổ cho không gian văn hoá địa phương, và tránh mọi rắc rối mang tính xâm lấn.

Cùng quyết định thu hồi, nhưng với hai mục đích khác nhau dễ thấy sự tương phản trong cách ứng xử với không gian văn hoá.

Hà Nội là một trong những địa phương hội tụ nhiều di tích, là điểm mạnh để phát huy văn hoá cũng như thu hút du lịch phục vụ ngành công nghiệp văn hoá. Thế nhưng, chuyện tại chùa Vàng hay đình Tây Đằng là sự việc đáng tiếc xảy ra trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở Thủ đô.

Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý, bảo đảm nguyên vẹn giá trị di sản văn hoá trong đời sống đương đại, không để xảy ra “chuyện đã rồi” trong bảo vệ di tích.

Bài liên quan
Chùa Hương - di tích lịch sử văn hoá, tín ngưỡng nổi tiếng của Hà Nội
Chùa Hương - ngôi chùa không chỉ mang vẻ đẹp danh thắng nổi tiếng mà còn nổi bật với văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hủy hoại di tích đình chùa Vàng