Để phục dựng được mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán đồng bào dân tộc Sán Dìu, ngoài nghiên cứu tài liệu, sách, báo, Đức Anh và các bạn trong nhóm đã trực tiếp đi gặp các nghệ nhân để tìm hiểu về phong tục, tập quán của người dân nơi đây.
Sau khi nắm vững kiến thức cơ bản và hiểu rõ bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc, các em đã lên ý tưởng phục dựng mô hình với các thiết chế văn hóa cơ bản như: Trang phục, nhà ở, phong tục thờ cúng, văn hóa…. Sau đó nhóm quay phóng sự, dựng video và làm mã QR code có chứa các video minh họa từng nội dung trong mô hình để giúp người sử dụng có thể dễ dàng tra cứu thông tin về đời sống, phong tục tập quán của người Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc.
Với sự sáng tạo mang đậm ý nghĩa nhân văn, giáo dục “Mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa phong tục tập quán đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc” được lựa chọn làm đạo cụ sử dụng trong các tiết học giáo dục lịch sử địa phương và hoạt động ngoại khóa của học sinh. Mô hình cũng có thể nhân rộng, áp dụng cho các khu du lịch trọng điểm, nhà truyền thống, bảo tàng hay không gian văn hóa để lan tỏa giá trị văn hóa bản sắc dân tộc Sán Dìu đến với mọi người.
Đồng hành cùng nhóm, cô Dương Thị Vĩnh Thạch, Trường THPT Kim Ngọc chia sẻ: Đức Anh và nhóm học sinh tham gia dự án rất đam mê nghiên cứu, đặc biệt là văn hóa dân tộc Sán Dìu. Là người dân tộc nên Đức Anh có nhiều ý tưởng liên quan đến vấn đề bảo tồn văn hóa. Khi tham gia cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng cấp trường, em trình bày dự án nhưng cách diễn đạt không rõ và chưa đưa ra sản phẩm cụ thể.
Thấy ý tưởng tốt nên cô Hiệu trưởng Phan Thị Hằng Hải đã phân công cô Vĩnh Thạch đồng hành cùng các em để phát triển thành sản phẩm dự thi. “Trong quá trình hướng dẫn, tôi luôn tôn trọng ý tưởng sáng tạo của học sinh. Sau khi nghe ý tưởng, cô trò họp lại để chốt các sản phẩm như thế nào”, cô Thạch chia sẻ đồng thời cho hay: Để ra được sản phẩm hoàn hảo, cô, trò đã trải qua nhiều thất bại và nhiều lần phải thay đổi kích cỡ, ý tưởng. Tất cả mô hình làm ra, các em đều phải đi thực tế và xin ý kiến các nghệ nhân.
“Trong quá trình làm việc cùng học trò, tôi nảy sinh ra ý tưởng đưa các mã QR vào để người xem khi quét mã sẽ biết thêm thông tin. Trường THPT Kim Ngọc trước đây là Trường Dân tộc nội trú nên dự án này như là một món quà nên cả cô và trò rất tâm huyết. Đồng thời, chúng tôi mong dự án này được phát triển hơn nữa để gìn giữ nét văn hóa của người Sán Dìu”, cô Vĩnh Thạch bày tỏ.
Tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022 do Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh đoàn, Sở GD&ĐT và các đơn vị liên quan tổ chức, dự án được Ban tổ chức trao giải Nhất. Chia sẻ về dự án, Đức Anh bộc bạch: “Là người Sán Dìu (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc), em thường xuyên được tiếp xúc với văn hóa truyền thống. Khi tham gia đội tuyển Lịch sử của Trường THPT Kim Ngọc em càng đam mê với bản sắc dân tộc. Từ kiến thức của thầy cô trên lớp kèm theo thông tin tìm hiểu trong sách, qua mạng, em và các bạn nung nấu ý tưởng và thực hiện dự án này nhằm góp phần quảng bá nét đẹp của dân tộc Sán Dìu”.