Ở một số địa phương như Hà Giang có đến 40%, Lạng Sơn 24%, Cao Bằng 25% nghệ nhân hát Then trên 70 tuổi. Trong khi đó việc truyền dạy các làn điệu Then ở những vùng này lại không có chính sách khuyến khích và quy định rõ ràng.
Phải mất hàng chục năm ròng, ngành văn hoá tổ chức sưu tầm, thống kê các làn điệu Then, đội ngũ nghệ nhân, chế tác đàn tính và thành lập các câu lạc bộ ở các thôn bản có dân tộc Tày, Nùng, Thái sinh sống. Hầu hết các tỉnh đã mở lớp và mời các nghệ nhân truyền dạy hát Then cho thế hệ trẻ.
Một số tỉnh như Lạng Sơn còn mời các biên đạo, đạo diễn, nghệ sĩ sáng tác dàn dựng các chương trình: Mùa hoa lê, Xứ lạng quê em, Ai lên xứ Lạng... để tham gia các hội diễn Then. Nghệ thuật hát Then từ đó được khơi dậy sức sống, đủ điều kiện ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Có thể thấy rằng, khôi phục nghệ thuật hát Then thực sự là một hành trình ngoạn mục. Từ một di sản tưởng chừng sẽ mất lại được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – là sự kiện chưa từng có tiền lệ, và chính xác đó là hành trình “lội ngược dòng”.
Trong nền văn hoá Việt Nam, còn khá nhiều nét văn hoá đặc sắc để có thể quảng bá với thế giới. Tiếc rằng, vốn tư liệu ít ỏi hoặc nghệ nhân trong lĩnh vực đó không còn thiết tha với việc bảo tồn và phát huy giá trị.
Được ghi danh dù là điều tự hào, nhưng không phải là bảo bối để bảo tồn di sản. Được ghi danh, nghĩa là gắn với trách nhiệm truyền thừa và quảng bá ra thế giới. Nếu như thế giới chưa biết tới nghệ thuật hát Then, chưa biết đến những bản sắc của nghệ thuật này – thì có nghĩa, chúng ta mới chỉ thành công ở việc ghi danh một di sản.