Cùng cảm nhận như Phước, em Phạm Văn Trung Hậu, lớp 12A9, cho biết thêm: “Em tự hào được sinh ra và lớn lên ở quê hương cụ Đồ Chiểu. Qua các tác phẩm thơ, em học được lý lẽ làm người, thấy được ý chí của ông cùng những giá trị đạo đức của người dân Nam Bộ. Ý chí vượt khó của cụ Đồ Chiểu trong hoàn cảnh sống mù lòa, nghèo khó mà vẫn giữ đạo nhà, từ chối bổng lộc của giặc thật đáng khâm phục”.
Em Trần Hữu Phước học sinh lớp 11A3 diễn xướng “Nói thơ Vân Tiên”. Ảnh: TG |
Cần nhân rộng, bảo tồn di sản
Đưa “Nói thơ Vân Tiên” vào trường học nhằm bảo tồn di sản văn hóa của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, cô Huỳnh Mai có những kinh nghiệm tổ chức tốt. Đó là việc dạy nói thơ phải trên tinh thần tự nguyện của học sinh; chọn số lượng vừa phải; nghệ nhân không chỉ có khả năng nói thơ mà còn cần có khả năng thực hành truyền dạy. Nhà trường nên tổ chức sân khấu hóa cho học sinh nhập vai khi nói thơ. Việc sinh hoạt nói thơ, thời gian vừa phải, có lồng ghép trò chơi tìm hiểu về truyện thơ Lục Vân Tiên, về tác giả Nguyễn Đình Chiểu sẽ làm cho không khí học tập thêm sinh động, các em dễ tiếp thu giá trị đạo đức qua tác phẩm…
Sau 5 năm đưa “Nói thơ Vân Tiên” vào trải nghiệm với môn học, cô Mai cho biết, hoạt động này không chỉ có ý nghĩa trong bảo tồn di sản văn hóa của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu mà qua đó, còn giáo dục được lòng yêu nước, đạo làm người, tinh thần nghĩa hiệp và nhiều giá trị sống khác trong truyện thơ Lục Vân Tiên.
“Thầy cô giáo nói với học sinh về đạo đức con người, dũng cảm, chính trực... khó có thể tạo nhận thức cho các em làm theo. Nhưng hướng dẫn “Nói thơ Vân Tiên” sẽ dẫn dắt tình cảm của các em vào câu chuyện thơ Lục Vân Tiên với đạo lý làm người, tinh thần nghĩa hiệp... Nói thơ Vân Tiên cảm hóa thuyết phục các em nhanh và nhiều hơn”, cô Mai cho biết trải nghiệm giảng dạy của mình.
Tuy đã có hiệu quả nhất định trong việc dạy trò “Nói thơ Vân Tiên” nhưng cô Nguyễn Thị Huỳnh Mai vẫn băn khoăn là mô hình hiện mới thực hiện ở Trường THPT Phan Liêm, chưa nhân rộng sang các trường khác. “Tôi mong mỏi được lãnh đạo cấp sở có tác động lớn hơn trong đưa giảng dạy này vào các trường học. Mỗi trường học được cấp kinh phí cho việc giảng dạy, sinh hoạt cho môn học. Nếu không có tác động của các cấp lãnh đạo, không thể duy trì việc nói thơ, di sản văn hóa Nói thơ Vân Tiên sẽ mai một”, cô Mai trăn trở.
“Thơ của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu giản dị, mộc mạc nhưng chuyển tải giá trị đạo đức rất rõ. Kết hợp nói thơ Vân Tiên với hoạt động trải nghiệm môn học, các em có đạo đức tốt”. - Thầy Nguyễn Văn Chỉnh - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Liêm