Khoan đục lỗ làm mất mấy chữ trên văn bia. |
Dư luận và các nhà khoa học từng bức xúc về việc chùa Trăm Gian, một di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đã bị phá dỡ Nhà tổ và Gác khánh để xây lại mới trong những ngày cuối tháng 8/2012. Hay câu chuyện các pho tượng La hán tại Thượng điện chùa Đậu sau trùng tu có tình trạng móng chân móng tay đỏ chót và nước sơn bóng loáng.
Rồi việc xóa bỏ đình Lương Xá (Ứng Hòa - Hà Nội) cũ để xây mới bằng bê tông cho khang trang hơn. Loại bỏ các thành phần điêu khắc cũ làm mới hoàn toàn ở đình Đồng Kỵ (Từ Sơn - Bắc Ninh) để có những cấu kiện bền vững hơn. Đồng thời thể hiện khả năng hiện nay của làng nghề, rồi việc thay một cái cổng cũ bằng cổng mới to hơn ở chùa Bối Khê (Thanh Oai – Hà Nội)…
Những sự kiện làm mới di tích, bất chấp có còn đúng với chứng tích lịch sử hay không vẫn cứ xuất hiện ngày càng nhiều và mức độ càng nghiêm trọng. Mới đây, dự án tu bổ, tôn tạo chùa Thổ Hà (Bắc Giang), trong quá trình di chuyển để thi công tu bổ đã khiến tấm bia đá từ thế kỷ 17 gẫy làm đôi.
Và ngay tại Thanh Hóa, việc tu bổ hạng mục giếng Ngọc tại dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lê Văn Hưu (Thiệu Hóa) xuất hiện quá nhiều vấn đề - thu hẹp giếng cổ. Ngay sau đó, Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phải vào cuộc can thiệp.
Thực ra, từ lâu việc trùng tu rồi làm hỏng di tích không còn là điều lạ. Đã có quá nhiều bài học trong việc trùng tu di tích, nhưng những công trình cổ bị trùng tu sai, những tác phẩm trùng tu hỏng từ những nguyên nhân rất không đâu. Chưa trùng tu thì di tích còn đó, trùng tu mà như xâm hại khiến cho di tích “sứt đầu mẻ trán” thì khác gì phá hoại.
Trùng tu di tích không chỉ phải đúng quy định, đủ chuyên môn mà còn tâm huyết. GS.TS - KTS Hoàng Đạo Kính từng chia sẻ: Nghề trùng tu di tích là nghề chữa bệnh đặc biệt, mỗi di tích là một loại bệnh cần phải chữa riêng. Trùng tu di tích không phải là làm mới, mà sau mỗi lần trùng tu, di tích trông vẫn phải “già” như cũ, nhưng khỏe và bền hơn, thì mới đạt yêu cầu.
Trùng tu không chỉ là sửa chỗ hỏng, mà là khôi phục nguyên trạng những chỗ đã hỏng, mất, mới nhưng vẫn phải “cũ”, sửa nhưng vẫn phải “cổ”. Ở nhiều công trình, các chuyên gia phải dành rất nhiều công sức để phối hợp với thợ thủ công tìm phương án bảo tồn hiệu quả và chính xác theo nguyên bản.
Trở lại câu chuyện xâm phạm đền Quan Thánh ở Thanh Hóa, người dân địa phương cho biết việc quét sơn làm biến đổi nguyên trạng di tích được thực hiện vào khoảng vài năm trước. Đại diện UBND phường An Hưng - Trưởng Ban quản lý di tích của địa phương xác nhận với báo chí việc tô màu sơn lên nền các văn bia trên vách núi và lên các phù điêu là do người được giao trông coi đền làm.
Đã đến lúc ngành văn hóa phải có những biện pháp kiên quyết trong giám sát, thanh - kiểm tra, siết chặt hoạt động tu bổ di tích, tránh tình trạng tiền trảm hậu tấu. “Sai đến đâu xử lý đến đó” chỉ là một cách nói nhằm yên lòng dư luận, bộc lộ cách xử lý cảm tính. Phải làm rõ trách nhiệm và kiên quyết xử lý sai phạm theo quy định pháp luật, đó mới là hướng đi đúng để bảo tồn di sản.