Trong khi đó, quản lý di sản hầu hết là quản lý hành chính. Thôn báo cáo xã, xã báo cáo huyện, huyện báo cáo tỉnh, tỉnh báo cáo Trung ương. Cán bộ quản lý hiếm khi đến hiện trường nắm bắt tình hình thực tế.
Đình Tây Đằng (Ba Vì) cách trung tâm thị trấn, phòng văn hoá của UBND huyện có mấy trăm mét, nhưng thay cả một cái cổng đình, cán bộ cũng không biết. Cả đình Lương Xá (Liên Bạt, Ứng Hoà) phá đi hết, sau khi hoàn thành thì gần như là đình mới, cán bộ huyện ngày nào cũng đi qua nhưng lại không biết.
Biến sự cổ kính trang nghiêm thành loè loẹt phô trương, là hiện trạng đáng báo động. Các cụ xưa hay nói “to như cái đình”, nhưng bây giờ lại “cao như cái đình”. Có nơi, người ta đập hẳn đình cổ đi, xây trên đó một cái đình hai tầng trông rất kỳ quặc. Ý thức thực dụng và nhận thức văn hoá không cùng một cung bậc, khiến cho di tích méo mó.
Kinh phí để trùng tu tôn tạo các di tích văn hoá tâm linh hiện nay, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn xã hội hoá (do dân đóng góp). Cho nên, mặc nhiên ai góp nhiều thì người đấy có tiếng nói. Nói sai, nhưng góp nhiều tiền thì cũng thành chân lý.
Phá di tích thì dễ, giữ di sản mới khó. Cổng làng Trung Nha - nơi tu luyện của thiền sư Từ Đạo Hạnh, cũng là nơi đầu tiên đón Lý Công Uẩn vào thành Thăng Long phải nhường cho dự án giao thông. Để rồi, dân làng phải làm một cái cổng khác từa tựa như cũ để nhớ về nguồn.
Sáng 13/6 nhằm rằm tháng 5, nhánh của cây đa thiêng trước cổng làng Trung Nha gẫy rạp. Điều đó khiến người Trung Nha càng không thể nguôi về một di sản đã mất.