Mục đích là bảo tồn, tôn tạo nhằm hoàn thành dự án theo quy hoạch được duyệt. Bảo tồn giá trị di sản văn hóa, hoàn thiện không gian kiến trúc khu di tích. Góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân. Đồng thời để đảm bảo mỹ quan đô thị, tạo không gian, kiến trúc khu vực phía trước khu di tích, đáp ứng nhu cầu thăm quan, tín ngưỡng của nhân dân.
Tuy nhiên, so với hình ảnh trước khi trùng tu, người ta có thể thấy rõ bàn tay của những người trùng tu tôn tạo đã biến một di tích cổ kính thành một công trình mới mẻ đến mức nào.
Năm 1805, vua Gia Long đã cho dời Thái miếu nhà Hậu Lê từ Thăng Long về đất Bố Vệ. Thái miếu lưu thờ bài vị của 27 vua cùng các Hoàng thái hậu nhà Hậu Lê. Trong đó có 4 thánh vị cổ của các vua Lê Thái Tổ, Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và Lê Gia Tông. Nơi đây còn thờ hai bậc khai quốc công thần là Nguyễn Trãi và Lê Lai.
Giá trị của di tích quan trọng thế nào, điều này ai cũng biết, không cần bàn tới. Tuy nhiên, nguyên tắc tôn tạo dù chỉ là một phần hay toàn bộ di tích cần sự nghiên cứu nghiêm túc về khoa học - lịch sử chứ không thể dựa trên sự tùy tiện của cá nhân hay tổ chức nào.
GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa từng nhận định, những người thi công coi tu bổ như sửa nhà cửa, chứ không phải tu bổ di sản văn hóa. Tu sửa chỉ lo phần vỏ vật chất bên ngoài, không chú tâm vào tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử của công trình.
Đáng buồn là, ngày càng nhiều di tích của nước ta bị “trẻ hoá”. Không có dự án tôn tạo, di tích chỉ bị bào mòn bởi thời gian và thời tiết. Nhưng hễ có dự án thì di tích lành ít dữ nhiều, không méo mặt này thì hỏng mặt kia.