Bất ngờ mất việc, người mua nhà vỡ kế hoạch trả góp: “Có thể tôi phải bán giá rẻ”

Minh Tâm | 30/05/2023, 22:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Một số người bất ngờ bị mất việc phải loay hoay với khoản trả góp mua nhà. Thậm chí, nếu không thể xoay sở, họ đã tính đến chuyện bán nhà để trả nợ.

Với những người trẻ việc nhanh chóng sở hữu ngôi nhà riêng tại Hà Nội được coi là cột mốc đánh dấu thành công của riêng mình. Tuy nhiên, công việc gặp trục trặc khiến nhiều người cảm thấy áp lực tài chính đè nặng, đành phải rao bán nhà để trả nợ.

Thời điểm từ năm 2020 đến đầu năm 2022, mỗi tháng anh Nguyễn Văn Trường (28 tuổi, Hà Nội) có tổng thu nhập khoảng 40 triệu đồng (đã bao gồm lương và việc làm ngoài). Với mức thu nhập mà nhiều người mơ ước, anh Trường quyết định tậu một căn chung cư tại Hà Nội với giá trị 2,5 tỷ đồng vào tháng 4/2022, đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Đồng thời, anh coi đây là bước đệm để phát triển tốt hơn.

Anh Trường cho biết, thời điểm mua nhà anh có 1 tỷ đồng, từ tiền tiết kiệm và bố mẹ hỗ trợ. Số tiền 1,5 tỷ đồng còn lại anh mạnh dạn vay ngân hàng, mỗi tháng sẽ trả 14 - 15 triệu đồng cả gốc, lãi. Với mức lương 40 triệu đồng/tháng, anh Trường tự tin vừa trả nợ nhà, vừa có cuộc sống đầy đủ và tiền tiết kiệm.

Tuy nhiên, không được bao lâu mọi tính toán của anh Trường đều đổ vỡ. Bắt đầu từ tháng 3/2023, công ty thông báo gặp khó khăn sẽ chậm trả lương 1 tháng và có thể sẽ cắt giảm nhân sự trong thời gian tới. Cùng đó, các công việc làm ngoài của anh cũng đều bị hủy với lý do đối tác tạm dừng hoạt động.

Éo le thay, anh Trường cho biết: “Vào ngày 15/5 mới đây, tôi bất ngờ nhận được email từ công ty mình thuộc danh sách cắt giảm nhân sự. Trong suốt khoảng thời gian từ đó tới nay tôi cũng chạy khắp nơi xin việc nhưng đều bị từ chối”.

Anh Trường cho biết, khoản vay mua nhà của anh hiện đang ở mức lãi suất thả nổi khoảng 13,5%/năm. Vì không biết xoay sở thế nào nên anh đã quyết định tìm môi giới rao bán căn nhà này.

“Gia đình tôi cũng không thuộc dạng khá giả. Khi mua nhà bố mẹ cũng đã dồn hết tiền tiết kiệm cho tôi. Trong khi đó, hiện nay nhiều công ty gặp khó khăn, nếu xin được việc mức lương chắc chắn không còn như trước kia. Tôi cũng đã nộp hồ sơ ở nhiều nơi nhưng mức lương cũng chỉ 15 - 16 triệu đồng. Như vậy, tôi sẽ không đủ để vừa trả tiền nợ, vừa lo cho cuộc sống tại Hà Nội. Còn nếu không trả đúng hạn sẽ bị vào nhóm nợ xấu, sau này muốn vay cũng rất khó”, anh Trường chia sẻ.

Bất ngờ mất việc, người mua nhà vỡ kế hoạch trả góp: “Có thể tôi phải bán giá rẻ” - Ảnh 1.

Anh Trường cho biết, dù thời gian qua giá chung cư tăng nhưng anh vẫn rao bán với mức giá bằng lúc mua, mong muốn sẽ sớm tìm được khách. Dù vậy, đến nay căn nhà của anh Trường vẫn chưa có chủ mới. “Nếu không tìm được khách sớm, có thể tôi phải bán rẻ”, anh nói thêm.

Mặc dù không bị rơi vào cảnh thất nghiệp hay chậm lương nhưng vợ chồng anh Hải Trân (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang loay hoay với khoản nợ mua nhà.

Anh Trân cho biết, thời điểm 2021 với số tiền 900 triệu đồng tiết kiệm, vợ chồng anh quyết định vay thêm để mua nhà. Căn hộ anh Trân mua có diện tích 70m2 với giá 2 tỷ đồng, trong đó có 1,1 tỷ đồng vay ngân hàng. Thời điểm mua, trung bình mỗi tháng gia đình anh chỉ trả khoảng 11 - 12 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, lãi suất tăng cao, đồng thời công việc xây dựng của anh Trân không còn liên tục như trước. Theo đó, thu nhập của anh giảm từ 30 triệu đồng xuống còn một nửa. Trong khi, tiền trả ngân hàng mỗi tháng của anh tăng lên.

“Công ty của vợ tôi mới đây cũng đã có thông báo giảm 30% lương. Mặc dù gần đây lãi ngân hàng cũng đã hạ nhiệt, nhưng so với thu nhập của hai vợ chồng hiện tại việc chi trả cũng khá khó khăn. Gia đình tôi đang cắt bớt các khoản chi tiêu để tập trung cho khoản vay mua nhà. Nếu chẳng may mất việc chúng tôi cũng chưa biết xoay sở thế nào với số nợ này, tình hình căng thẳng có khi cũng tính chuyện bán”, người này nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định: “Hiện nay, ngân hàng nào cho vay mua nhà đều có ưu đãi trong 1 – 2 năm, khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường. Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù lãi suất có thấp như năm 2021 đi chăng nữa thì cũng phải tính đến việc lãi suất sẽ tăng cao trở lại. Do đó, trước khi lựa chọn vay ngân hàng mua tài sản là đất hoặc nhà trả góp, người dân phải tính toán mức lãi suất lâu dài, tránh trường hợp không thể thanh toán được theo tiến độ", vị chuyên gia khuyến cáo.

Theo vị này, người vay mua nhà nên cân nhắc khả năng chi trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng, không nên chi quá 30% thu nhập cho khoản vay. Bên cạnh đó, cần ước tính giá trị căn nhà dự định mua dựa trên mức thu nhập cùng tiền mặt có sẵn và chỉ nên vay trong khả năng trả nợ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất ngờ mất việc, người mua nhà vỡ kế hoạch trả góp: “Có thể tôi phải bán giá rẻ”