Theo News-Medical, mặc dù dạng bình thường của virus sởi không thể lây nhiễm vào hệ thần kinh, nhưng nhóm nghiên cứu phát hiện ra virus tồn tại trong cơ thể có thể tạo nên đột biến ở một loại protein quan trọng kiểm soát cách chúng lây nhiễm vào tế bào.
Đó là protein dung hợp hay protein F. Trong các trường hợp hiếm mà protein này xuất hiện đột biến, nó cung cấp cho virus một khả năng mới là kết hợp vào các khớp thần kinh, từ đó tấn công não bộ.
Theo phó giáo sư Yuta Shirogane từ Khoa Khoa học Y tế của Đại học Kyushu, tác giả chính của nghiên cứu, virus sởi khi lây nhiễm vào tế bào thần kinh đã mang theo các bản sao khác nhau của bộ gien virus, bao gồm bộ gien mã hóa protein F đột biến lẫn bộ gien mã hóa protein F bình thường.
Theo lý thuyết, lẽ ra các protein F bình thường sẽ khắc chế được các protein F đột biến, nhưng trong nghiên cứu mới họ còn phát hiện ra rằng virus đã tự khắc phục bằng cách tích lũy đột biến trong protein F.
Các phát hiện nói trên không chỉ có thể là khởi đầu cho một phương pháp điều trị SSPE chết người, mà còn làm sáng tỏ cơ chế tiến hóa phổ biến vốn có thể xuất hiện ở các loại virus có cơ chế lây nhiễm tương tự sởi như virus corona mới (SARS-CoV-2) và các loại virus herpes.
Hơn hết, điều này một lần nữa khẳng định tầm nguy hiểm của bệnh sởi. Căn bệnh này từ lâu đã có thể phòng bằng vắc-xin và được nhiều nước đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng bao gồm Việt Nam. Tuy nhiên các yếu tố khiến trẻ bỏ lỡ mũi tiêm cứu mạng này bao gồm anti vắc-xin và các hạn chế thời đại dịch vẫn tiếp tục gây nên thảm kịch.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính rằng gần 9 triệu người trên toàn thế giới đã nhiễm sởi trong năm 2021 với số tử vong lên tới 128.000 ca, hầu hết là trẻ nhỏ. Vào cuối năm 2022 WHO cũng cảnh báo dịch sởi đang đe dọa toàn cầu trong bối cảnh các hạn chế do đại dịch COVID-19 gây gián đoạn chương trình tiêm chủng ở nhiều nước.