Bệnh viện Nhi Trung ương gần đây liên tục tiếp nhận một số trường hợp trẻ mắc bệnh thận mạn tính nhập viện nguy kịch do cha mẹ tự ý bỏ điều trị, hoặc sử dụng thuốc nam theo lời mách từ những người xung quanh.
Trường hợp bệnh nhi 5 tuổi quê ở Bắc Giang nhập viện trong tình trạng nguy kịch, trẻ không qua khỏi.
Trẻ mắc bệnh thận điều trị tại bệnh viện.
Theo các bác sĩ, cách đây hơn 1 năm, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn tính, đã được điều trị sức khỏe ổn định ra viện và tiếp tục theo dõi ngoại trú tại phòng khám chuyên khoa Thận, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tuy nhiên, hơn 3 tháng nay, người nhà bệnh nhi tự ý bỏ theo dõi, điều trị và cho trẻ dùng thuốc nam. Gần đây, khi tình trạng sức khoẻ chuyển biến xấu, trẻ mới được người nhà đưa quay trở lại bệnh viện điều trị.
Theo TS.BS Nguyễn Thu Hương – Trưởng khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, đây là một trong số nhiều trường hợp trẻ đang điều trị bệnh thận mạn tính tại khoa tự ý bỏ ngang điều trị hoặc sử dụng thuốc nam theo lời mách từ những người xung quanhđến khi nhập viện thì đã quá muộn.
Có nhiều lý do khiến người nhà bỏ điều trị cho trẻ như: hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà xa đi lại tốn kém, thời gian điều trị kéo dài hoặc nghĩ cơ hội sống của trẻ không còn, có chạy chữa cũng không thay đổi được gì… là lý do khiến gia đình dễ buông xuôi.
Triệu chứng của bệnh thận mạn:
- Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn.
- Sưng mắt cá chân, bàn chân hoặc bàn tay, hoặc toàn thân.
- Đi tiểu thường xuyên, hoặc ở trẻ em từ 5 tuổi trở lên, đái dầm kéo dài.
- Còi cọc hoặc tăng trưởng kém so với các bạn cùng lứa tuổi.
- Thường xuyên đau đầu do huyết áp cao.
- Nhìn thấy máu trong nước tiểu.
- Thiếu máu và xanh xao do giảm sản xuất hồng cầu.
Xét nghiệm để chẩn đoán bệnh thận mạn
Bệnh thận mạn được chẩn đoán theo nhiều cách. Một số trường hợp được phát hiện trước khi sinh bằng siêu âm. Một số khác, trẻ được chẩn đoán mắc các bệnh khác sau đó phát hiện ra bệnh thận mạn. Thông thường, khi trẻ có các triệu chứng được liệt kê ở trên, bác sĩ của con bạn sẽ tiến hành các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh thận mạn.
Xét nghiệm máu và nước tiểu của trẻ có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh, chẩn đoán nguyên nhân và cho biết giai đoạn bệnh thận mạn.
Siêu âm cho thấy hình ảnh tổn thương thận (thận nhỏ, thận đa nang, thận lạc chỗ…) và các cấu trúc xung quanh. Siêu âm đồng thời có thể đưa ra gợi ý về nguyên nhân gây ra các vấn đề về thận.
Sinh thiết thận, với một mảnh mô thận nhỏ được lấy ra và kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thương của thận.
Bệnh thận mạn tính là bệnh lý suốt đời, trẻ cần được đi khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh. Trẻ cần được duy trì lối sống lành mạnh, và các biện pháp ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Bệnh nhân và gia đình nên hiểu về các phương pháp điều trị thay thế thận và thảo luận với bác sĩ để có lựa chọn điều trị phù hợp với công việc, chỗ ở và điều kiện kinh tế khi trẻ bị suy thận mạn.
TS.BS Nguyễn Thu Hương khuyến cáo cha mẹ không nên cho trẻ uống thuốc từ nhiều nguồn, không tự ý bỏ thuốc điều trị cho trẻ,…