Viêm xoang có thể gây ra các biến chứng nội sọ và ngoại sọ. Bác sĩ Gao Gaoqiang, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Hạ Môn (Trung Quốc), cho biết viêm mô tế bào hốc mắt là biến chứng ngoài sọ, ảnh hưởng không nhỏ đến thị lực, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa, gây viêm xoang hang, xoang sigma và thậm chí áp xe não, là biến chứng nội sọ, trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
"Chúng tôi đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ bị viêm mô tế bào hốc mắt và huyết khối xoang do viêm xoang và viêm tai giữa. Một trẻ vẫn bị lác ở một mắt và hơi khập khiễng khi đi lại".
Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm trùng có mủ dưới da, lớp dưới da, khoảng gian cơ hoặc mô liên kết lỏng lẻo sâu. Khác với nhiễm trùng có mủ cục bộ, viêm mô tế bào lây lan do vi khuẩn gây bệnh có thể giải phóng hemolysin, streptokinase và các chất khác. Điều này nhanh chóng có thể gây hoại tử mô trên diện rộng. Sự phá vỡ hàng rào da-niêm mạc do nhiều loại chấn thương khác nhau là một trong những nguyên nhân gây viêm mô tế bào.
Trong mũi có rất nhiều vi khuẩn, việc ngoáy mũi bằng ngón tay không sạch sẽ có thể phá hủy niêm mạc mũi mỏng manh, dễ gây nhiễm trùng và dẫn đến viêm mô tế bào.
Nhiều người từng nghe đến "tam giác chết" trên khuôn mặt, khu vực này giàu mạch máu, không có van tĩnh mạch, thông với các mạch máu nội sọ, là "đường tắt" để vi khuẩn xâm nhập vào não. Vì vậy, không nên tự ý nặn, ấn mụn nhọt trên mặt hoặc tác động lực để tránh gây nhiễm trùng nội sọ.
Cha mẹ nên nhắc nhở trẻ bị viêm xoang, viêm mũi dị ứng chú ý vệ sinh tay, không chà xát, ngoáy mũi mạnh, nếu có nhiều mũi khô và cứng thì không nên trực tiếp ngoáy mà có thể xịt nước muối trước và đợi cho đến khi nó mềm đi rồi làm sạch chúng.
Nếu thấy đầu và mặt sưng tấy cục bộ thì bạn nên đến bệnh viện điều trị kịp thời, tránh để vi khuẩn xâm nhập vào não và làm chậm trễ việc điều trị.
Nguồn và ảnh: QQ, Healthline