Đột quỵ không chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà còn có thể xảy ra đối với trẻ em.
Khi nhắc đến đột quỵ, người ta thường nghĩ đến đối tượng là người trung niên và người già. Nhưng gần đây, một bé gái 8 tuổi Tiếu Tiếu ở Phúc Kiến (Trung Quốc) đã bất ngờ ngã quỵ trong giờ học nhảy và được chẩn đoán nhồi máu não cấp tính.
Cô bé bất ngờ ngã xuống đất, tay chân mềm nhũn và miệng không thể hoạt động. Nhận ra bất thường của bé, gia đình và giáo viên đã lập tức đưa Tiếu Tiếu đến khoa cấp cứu nhi của Bệnh viện trực thuộc số 1 của Đại học Y Phúc Kiến.
MRI trước khi điều trị của Tiếu Tiếu
Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn chung với các chuyên gia nhi khoa, phẫu thuật thần kinh và cuối cùng chẩn đoán bé gái mắc nhồi máu não cấp tính - một căn bệnh hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng ở trẻ em.
Đội ngũ y tế đã tích cực triển khai điều trị bằng thuốc chống đông máu cho Tiếu Tiếu để ngăn chặn sự gia tăng huyết khối não, điều trị chống viêm nhằm giảm tổn thương mô não, cải thiện tuần hoàn não và cung cấp chất dinh dưỡng cho các tế bào não bị tổn thương.
Sau một thời gian điều trị cũng như tiếp tục tiến hành tập luyện phục hồi chức năng, cô bé đã lấy lại cuộc sống bình thường.
Shi Xiaorong, Phó bác sĩ trưởng khoa thần kinh nhi tại Bệnh viện First Affiliated (Trịnh Châu, Trung Quốc) cho biết, nhồi máu não ở trẻ em thường do co thắt mạch não, hẹp hoặc tắc mạch làm gián đoạn lưu lượng máu, dẫn đến hoại tử do thiếu máu cục bộ của mô não ở vùng cấp máu. Từ đó dẫn đến rối loạn chức năng thần kinh cấp tính.
Tỷ lệ mắc bệnh nhồi máu não cấp ở trẻ em khá thấp, khoảng 2 - 13/100.000 người. Căn bệnh này không chỉ có thể gây rối loạn vận động, thiểu năng trí tuệ… mà còn có tỷ lệ tử vong và tàn tật cực cao. Việc nhận biết nhanh chóng và chủ động là chìa khóa để điều trị thành công.
Khi trẻ đột nhiên xuất hiện các triệu chứng như giảm khả năng vận động một chi, nói ngọng, chóng mặt, nhức đầu, liệt mặt,… thì cha mẹ nên hết sức chú ý.
Nếu xuất hiện từ 2 triệu chứng trở lên, cha mẹ nên kịp thời ghi lại thời điểm trẻ xuất hiện các triệu chứng và đưa trẻ đến bác sĩ càng nhanh càng tốt, tốt nhất là trong vòng 6 giờ và không muộn hơn 24 giờ.
Ngoài ra, đối với trẻ bị nhồi máu não cấp, bên cạnh việc điều trị thể chất, điều chỉnh tâm lý cũng quan trọng không kém. Bởi vì trẻ thường cảm thấy sợ hãi và lo lắng sau khi trải qua.
Cha mẹ và đội ngũ y tế cần phải làm việc cùng nhau để mang đến một môi trường yêu thương và hỗ trợ cho trẻ, giúp trẻ hiểu được tình trạng của mình và động viên trẻ dũng cảm đối mặt với quá trình hồi phục.
Loại bỏ các yếu tố kích thích như thay đổi tâm trạng, làm việc quá sức, dùng lực quá mức, té ngã và chấn thương, v.v.
Điều trị kịp thời các bệnh có thể gây nhồi máu não như tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì…
Đảm bảo chế độ ăn của trẻ giàu rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế thực phẩm giàu chất béo và đường.
Lối sống lành mạnh, đảm bảo ngủ đủ giấc, vận động hợp lý
Chú ý về mặt cảm xúc, cần duy trì giao tiếp tốt với trẻ và cung cấp hỗ trợ tâm lý cần thiết.
Đối với trẻ có tiền sử gia đình mắc bệnh di truyền, việc khám sức khỏe định kỳ đòi hỏi phải phát hiện sớm và điều trị sớm.
Nguồn: Newqq