Một người phụ nữ ở Canada liên tục phải vào phòng cấp cứu trong tình trạng như say xỉn nặng, thậm chí hơi thở có mùi rượu, dù không hề uống.
Theo báo cáo về ca bệnh lạ được công bố trên Canadian Medical Association Journal, nữ bệnh nhân giấu tên đã say xỉn bất thường bởi "hội chứng nhà máy bia tự động".
Nữ bệnh nhân thường xuyên cảm thấy say xỉn dù không hề uống rượu - Ảnh AI: Anh Thư
Các bác sĩ từ Đại học Toronto và Bệnh viện Mount Sinai (Canada) cho biết nữ bệnh nhân 52 tuổi đã phải đến khoa cấp cứu tận 7 lần trong 2 năm.
Mỗi lần, các triệu chứng của cô đều giống nhau và khiến cô có vẻ như người đang say xỉn: Buồn ngủ quá mức, nói ngọng và hơi thở có mùi rượu.
Theo Live Science, cơn buồn ngủ là đáng lo ngại nhất, nặng đến nỗi bà có thể bất ngờ ngủ quên khi đang chuẩn bị đi làm, nấu ăn. Tình trạng buồn ngủ này khiến bà phải nghỉ làm trong nhiều tuần và ngăn cản cảm giác thèm ăn.
Thậm chí, cơn say xỉn nặng đến nỗi các bác sĩ từng nhiều lần kết luận cô bị ngộ độc rượu.
Nhưng gia đình xác nhận bệnh nhân không hề uống một giọt rượu nào. Vì vậy các bác sĩ đã tìm hiểu và phát hiện cho dù bà quả thật say xỉn và ngộ độc rượu, nhưng rượu này là do cơ thể... tự sản xuất.
Nói chính xác hơn, nấm trong ruột của nữ bệnh nhân đã tự tạo ra rượu từ những thứ không hề có cồn mà bà ăn.
Gợi ý cho phát hiện này đến từ việc khai thác bệnh sử của bà.
Trước khi bị những cơn say xỉn hành hạ, người phụ nữ này có tiền sử 5 năm bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát (UTI), tái phát nhiều lần và rất khó phòng ngừa.
Để điều trị những đợt bệnh này, cô được kê đơn thuốc kháng sinh thường xuyên, hết đợt này đến đợt khác.
Các bác sĩ nghi ngờ rằng lượng kháng sinh này có thể đã tiêu diệt lợi khuẩn trong ruột, đồng thời dọn đường cho nhiều loại nấm khác nhau trong ruột xâm chiếm.
Một số loại nấm này có thể lên men carbohydrate, về cơ bản là tự sản xuất rượu.
Hội chứng nhà máy bia tự động phát sinh khi các loại nấm như vậy - bao gồm Saccharomyces cerevisiae, nấm men bia và Candida albicans... - phát triển ở nồng độ đủ cao và tiếp cận đủ lượng carbohydrate (chủ yếu từ nhóm thực phẩm bột đường) để làm bệnh nhân sau xỉn.
Trong trường hợp của người phụ nữ, trước khi được chẩn đoán mắc bệnh này, cô đã được các bác sĩ tâm thần trong phòng cấp cứu đánh giá nhiều lần về các dấu hiệu của chứng rối loạn sử dụng rượu.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nghiện nào được ghi nhận.
Sau khi được chẩn đoán mắc "hội chứng nhà máy bia tự động", nữ bệnh nhân đã được kê thuốc kháng nấm kết hợp với chế độ ăn low-carb để vi nấm không có nguyên liệu sản xuất rượu. Cách trị liệu này đã đạt được hiệu quả.
Bệnh nhân từng tái phát một thời gian sau đó khi ăn carbohydrate nhiều trở lại. Tuy nhiên việc điều trị một lần nữa phát huy tác dụng.
Sau đó, bà được yêu cầu giữ chế độ ăn low-carb đủ lâu trước khi dần tăng lượng carbohydrate trở lại theo lộ trình. Rất may mắn, bệnh không còn tái phát.