Trường hợp bạn mắc viêm gan B lâu hơn 6 tháng và trở thành viêm gan B mạn thì bạn cần quan tâm theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho bản thân.
Bởi vì 30% người mắc viêm gan B mạn sẽ tiến triển thành xơ gan; 5-10% sẽ tiến triển thành ung thư gan.
Tại Việt Nam, hơn 60% người ung thư gan là có mắc viêm gan B.
Thông thường, người mắc viêm gan B mạn thường thấy khỏe mạnh và không có triệu chứng. Do đó, người bệnh thường chủ quan và bệnh sẽ tiến triển nặng lên mà không hề hay biết.
Chính vì vậy, người mắc viêm gan B cần tuân thủ lịch khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm hoặc gan mật. Điều này là vô cùng quan trọng, giúp cho người bệnh trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh của mình, cũng như phát hiện kịp thời giai đoạn bệnh để điều trị, ngăn ngừa các biến chứng suy gan, xơ gan, và ung thư gan xảy ra.
Cách phòng tránh để không bị viêm gan B?
Tiêm phòng vắc xin viêm gan B: là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và an toàn.
Mọi em bé sinh ra trên đất nước Việt nam đều cần được tiêm phòng vắc xin viêm gan B mũi đầu tiên trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, sau đó tiêm các mũi còn lại theo chương trình tiêm chủng quốc gia.
Do tỉ lệ nhiễm vi rút viêm gan B tại Việt nam là cao (năm 2017 ước tính là 8,1%), nên mọi người dân Việt nam cần đi kiểm tra tình trạng nhiễm vi rút viêm gan B bằng xét nghiệm HBsAg, đặc biệt là nữ giới trong lứa tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai :
- Nếu chưa bị nhiễm viêm gan B, bạn cần tiêm phòng vắc xin viêm gan B đủ 3 mũi. Sau khi tiêm phòng, nếu bạn có đủ miễn dịch để bảo vệ cơ thể (anti-HBs > 10 IU/mL) thì sẽ không bị mắc viêm gan B trong tương lai.
- Nếu HBsAg dương tính, nghĩa là bạn đã mắc viêm gan B. Bạn cần đi khám kiểm tra tình trạng bệnh tại chuyên khoa truyền nhiễm hoặc chuyên khoa gan mật định kỳ theo hẹn của bác sĩ.
- Nếu bạn là phụ nữ đang mang thai hoặc đang có kế hoạch sinh em bé mà có xét nghiệm HBsAg dương tính, bạn cần đến chuyên khoa truyền nhiễm để được khám và tư vấn về các dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.