Nguyễn Thị Kim là điêu khắc gia tiên phong, đầu đàn, vừa là tác giả của những tác phẩm xuất sắc của nền điêu khắc hiện đại Việt Nam. Bà để lại cho đời hàng trăm tác phẩm điêu khắc hiện thuộc rất nhiều bảo tàng và nhiều bộ sưu tập tư nhân cả trong và ngoài nước. Sự nghiệp nghệ thuật chính của bà nổi tiếng nhất vẫn là hệ thống tượng Bác Hồ.
Ngoài bức tượng năm 1946 được công nhận bảo vật quốc gia kể trên, về sau bà nặn khá nhiều tượng Bác, cả tượng tròn lẫn phù điêu. Năm 2000, Nguyễn Thị Kim được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhóm tượng: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946, đồng), Hạnh phúc (1950, sơn đắp), Chân dung cháu gái (1958, đồng), Nữ du kích (1962, gỗ), Mười một cô tự vệ thành phố Huế (1968, thạch cao).
Người nhà cố điêu khắc gia cho biết phần lớn tác phẩm đã được bán từ trước đây, thời bà còn sống, đôi khi với giá rất ít trong giai đoạn đói kém. Có bức tượng lớn được nhà sưu tầm Đức Minh đổi bộ xích líp xe đạp; có nhiều tác phẩm được bảo tàng mua với "giá nhà nước", thậm chí có bảo tàng kỳ kèo giá rẻ quá, bà đành tặng không...
Đáng tiếc nhất của những người con là lần một nhà sưu tập ở Hà Nội đến mua tác phẩm với giá rất rẻ nhưng người mẹ cũng đồng ý bán. "Bộ đó có mấy chục tượng nhỏ tượng to và tranh các thứ nhưng số tiền tính ra mỗi cái rất rẻ. Tôi bảo mua cái kiểu gì mà như mớ rau mớ cá như thế này. Nhưng đúng lúc Hà Nội khó khăn lắm, gia đình tôi không đủ tiền để đi đổ đồng tất cả các tác phẩm của cụ.
Và cụ bà nói thế này: "Những tượng của bà đều rất to, lại bằng thạch cao. Người sưu tập đã hứa với bà là tất cả tượng thạch cao của bà đem về đổ đồng, người ta sẽ giữ cho bà. Các con không theo nghề. Khi các con mất đi thì ai sẽ bảo quản tác phẩm này. Chi bằng để cho người ta mang về, họ hứa đổ đồng họ giữ trong sưu tập thì tác phẩm của bà vẫn còn nguyên đấy!". Cụ chỉ muốn bảo tồn tác phẩm của cụ thôi chứ tiền không quan trọng lắm đâu anh ạ!".
Điều đáng mừng là bộ tượng ấy đã được đổ đồng đang nằm tại Hà Nội.
Trong số tác phẩm mà con cháu còn giữ có bức phù điêu người chồng Phạm Văn Đôn do Nguyễn Thị Kim nặn năm 2001, sau khi chồng mất một năm. Năm ấy, bà nặn hai phù điêu của chồng và của mình, nhìn đối nhau, đem đúc bằng gang mỗi thứ hai cái, thành ra bốn cái. Ngoài hai cái đã được gắn lên mộ phần vợ chồng nghệ sĩ, một cái chân dung Nguyễn Thị Kim đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập. Gia đình còn giữ lại bức phù điêu này.
Bà Hương kể bố mẹ gặp nhau ở Trường Mỹ thuật Đông Dương cho đến khi mất, nữ điêu khắc gia thể hiện tình cảm rất chân thành với chồng mình cho đến suốt đời.
"Cụ ông nhà tôi khi trẻ cũng hoa lá cành lắm. Người này mê người kia... ấy. Nhưng cụ bà thì một mặt lúc nào cũng tin tưởng thể nào cụ ông cũng quay về. Tình cảm của cụ chung thủy, nó lâu dài lắm. Còn cụ ông thì đúng là, đàn ông mà. Đẹp giai, nghệ sĩ cho nên tình cảm nó cũng lai láng lắm" - bà Hương cười vui.
Ngày nay, muốn ghé thăm nữ điêu khắc gia Nguyễn Thị Kim, mọi người có thể đến nghĩa trang Thanh Tước ở Mê Linh, Hà Nội. Nơi đây mộ phần bà và người chồng Phạm Văn Đôn nằm cạnh nhau; tượng phù điêu hai người gắn lên tảng đá bên trên luôn nhìn nhau đắm đuối...
"Sau hơn 20 ngày miệt mài lao động, tôi hoàn thành tượng Bác, tác phẩm quan trọng trong cuộc đời nghệ thuật của tôi. Trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1946 tổ chức tại Nhà hát lớn, bức tượng Bác được đặt ở một vị trí quan trọng... Tác phẩm ấy là niềm vinh dự lớn lao mà cách mạng đã dành cho tôi, là kỷ niệm thiêng liêng về Bác" - nữ điêu khắc gia Nguyễn Thị Kim.