NLXH yêu cầu người viết phải thể hiện tốt khả năng tư duy và kĩ năng thiết lập một văn bản nghị luận. Để có thêm công cụ giải quyết dạng đề này, người viết cần lưu ý một số điểm sau đây:
Từ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, câu nghị luận xã hội của đề thi môn Ngữ Văn đã có sự thay đổi: chuyển yêu cầu viết bài văn sang viết đoạn văn khoảng 200 chữ. Câu hỏi chỉ bàn về một khía cạnh của vấn đề chứ không phải bàn bạc đầy đủ các mặt.
Cụ thể như đề thi THPT Quốc gia năm 2017: “Suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm”. Đề thi THPT Quốc gia năm 2019: “Suy nghĩ về sức mạnh ý chí của con người”…
Nếu triển khai theo yêu cầu của một bài văn nghị luận xã hội, người viết cần đáp ứng đầy đủ, cân đối bố cục của một văn bản nghị luận. Tuy nhiên với dạng đề viết một đoạn văn, thí sinh không thể trải đều kiến thức ở tất cả các phần mà cần phải dành phần lớn thời gian để tập trung vào yêu cầu của đề. Như vậy, học sinh cần thực hiện đúng yêu cầu đề ra, cần tránh cách viết đoạn văn như một bài văn.
Bên cạnh những dẫn chứng quen thuộc, mang tính an toàn, người viết nên lựa chọn phân tích những dẫn chứng lấy từ cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân trên nhiều lĩnh vực để tạo nên sự sống động, mới mẻ mà vẫn thuyết phục được người đọc.
Trong khuôn khổ ngắn gọn của một đoạn văn, học sinh chỉ nên đưa lướt qua từ hai đến ba dẫn chứng. Mỗi dẫn chứng nên nằm gọn trong một câu văn, không dừng lại phân tích, kể lể.
Dẫn chứng cần đi kèm những nhận xét, đánh giá thể hiện suy nghĩ riêng của người viết bằng lối diễn đạt hết sức gọn ghẽ, sát với vấn đề đang bàn luận.
Muốn viết văn hay trước hết người viết phải đi từ viết đúng. Để đoạn văn trở nên đúng hướng, ý tứ mạch lạc, các phần liên kết chặt chẽ và hợp lí.
Học sinh cần phải tự thiết kế và trả lời các câu hỏi phù hợp. Đi kèm với các câu hỏi là hệ thống từ khóa tương ứng, chúng tựa như một loại tín hiệu giúp cho người viết luôn nhớ đến phần việc mình đang làm và người đọc cũng dễ dàng nắm bắt được hệ thống ý của đoạn văn.
- Bước 1: Giải thích vấn đề đặt ra trong đề bài. Bước này, học sinh cần trả lời các câu hỏi: Thế nào là…? …nghĩa là gì?… được hiểu như thế nào? Xác định các từ khóa có thể dùng: Là, nghĩa là; Có thể hiểu là; Có người cho rằng; Phải chăng đó chính là...
- Bước 2: Bàn luận vấn đề. Đến đây, cần làm rõ: Vấn đề đúng sai như thế nào? Điểm nào hợp lý, điểm nào bất hợp lý? Vì sao? Đi kèm với các từ khóa: Tạo nên, làm cho, khiến cho, trở nên; Tiếp thêm, giúp cho, mang lại, đem lại; Gây nên, đẩy con người vào, rơi vào, lâm vào, sa vào…
- Bước 3: Dùng dẫn chứng để chứng minh lập luận trên. Ở bước này, học sinh nêu các nhân vật, sự kiện tương ứng có thể làm rõ vấn đề. Gắn liền với các từ khóa: Xúc động trước; Cảm phục trước; Tự hào về; Không thể nào quên; Còn nhớ như in; Ví như; Hay là…
- Bước 4: Rút ra bài học. Cuối cùng, điều bạn cần làm là trả lời được câu hỏi: Bản thân hiểu ra được điều gì? Cần có cách ứng xử, lối sống như thế nào để trở nên tốt hơn? Các từ khóa đi kèm trong bước này là: Hiểu được rằng; Thấm thía rằng; Cảm nhận được; Nỗ lực, tích cực rèn luyện…
Để tạo lập được một đoạn văn nghị luận xã hội tốt, người viết không chỉ cần trau dồi vốn sống, trải nghiệm của bản thân, biết nhìn vấn đề từ nhiều góc độ mà còn cần khả năng tổ chức văn bản thật sáng tỏ, chặt chẽ. Đó là một trong những yêu cầu quan trọng để “tăng năng suất”cho bài viết, dù chỉ là sự thể hiện qua một đoạn văn ngắn. Đối với dạng đề NLXH, người ra đề luôn khuyến khích học sinh sáng tạo, nhạy bén trong từng bước. Học sinh cần đọc nhiều, lĩnh hội nhiều kiến thức thực tiễn, nhất là những thông tin diễn ra trong đời sống xã hội thường nhật. Bởi đó là nguồn nguyên liệu quý giá làm cho đoạn văn NLXH của bạn trở nên sinh động, có ý nghĩa trọn vẹn và sâu sắc.
Cô Mai thị Thu Loan - Giáo viên Trường THPT Mai Thúc Loan - Hà Tĩnh.