"Loại thuốc trừ sâu này hoạt động theo cơ chế phá hủy khả năng sản xuất chất nhầy của ốc sên", FDACS đăng trên trang web của cơ quan này. "Điều này làm giảm khả năng tiêu hóa và khả năng vận động của ốc sên, đồng thời khiến chúng dễ bị mất nước. Ốc sên hấp thụ phải thuốc sâu sẽ chết vài ngày sau đó".
Giới chức hữu quan sẽ thông báo ít nhất một ngày trước khi phun thuốc trừ sâu.
Giới chức nông nghiệp Florida cảnh báo, ốc sên châu Phi khổng lồ có thể dài tới 20cm và là một trong những loài ốc gây hại nhất trên thế giới. Chúng có thể ăn ít nhất 500 loại thực vật khác nhau. Ngoài ra, loài này có thể ăn vữa, nhựa, phá hoại các thùng rác tái chế và biển báo đường phố.
Lớp vỏ cứng của chúng có cạnh đủ sắc khiến lốp xe bị thủng nếu cán phải.
"Những con ốc sên này có thể tàn phá các khu vực nông nghiệp và khu vực tự nhiên ở Florida", FDACS cảnh báo.
Theo Daily Mail, ốc sên châu Phi khổng lồ còn có thể gây bệnh viêm màng não thông qua các mầm bệnh lây lan từ người ăn rau mà ốc sên bò qua hoặc do chạm trực tiếp vào loài này.
Theo giới chức nông nghiệp Florida, bang này đã 2 lần tuyên bố diệt trừ ốc sên châu Phi khổng lồ. Lần đầu tiên là vào năm 1975 sau khi chúng được phát hiện vào năm 1969. Và lần thứ hai vào năm 2021 sau khi chúng được phát hiện vào năm 2011.