Bí quyết dạy trẻ tự giác trong công việc

Phạm Hoa - Việt Anh | 13/12/2023, 08:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Nhằm giúp trẻ hành động và ý thức về tính tự giác, các bậc cha mẹ nên bắt đầu trong giai đoạn trẻ 3 tuổi. Trong giai đoạn này, trẻ đã bớt dần tính ái kỷ, chỉ biết có mình và suy nghĩ “cái gì trong tay ta là của ta”.

Sự cần thiết rèn tính tự giác ở trẻ

Tự giác là một hình thức rèn luyện bản thân để biết cái nào đúng cái nào sai, cái nào nên làm và cái nào không nên làm, tạo nên những thói quen mới trong cách suy nghĩ, hành động và diễn thuyết nhằm mục đích nâng cao bản thân và hướng đến thành công cho bản thân mỗi người.

Rèn luyện ý thức tự giác là nhiệm vụ được định hướng và có chọn lọc, nó là kết quả của một quá trình lặp đi lặp lại, kiên trì và bền bỉ nỗ lực chứ không phải là tự nhiên mà nó có sẵn trong người.

day-tu-giac.png
Tự giác là một hình thức rèn luyện bản thân để biết cái nào đúng cái nào sai, cái nào nên làm và cái nào không nên làm, tạo nên những thói quen mới

Thực tế hiện nay, một số trẻ thiếu tính tự giác, thường chỉ có thể làm tốt nếu được “cầm tay chỉ việc”, thậm chí là chỉ rồi mà vẫn làm sai vì không có sự tự tin, phải có sự kiểm soát liên tục mới có thể hoàn thành công việc của mình.

Đây là hệ quả của việc trẻ không được tập cho tính tự giác, dẫn đến thiếu tự tin. Khi đã không tin vào mình thì không thể có khả năng tự chủ trong công việc, từ chuyện học cho đến chuyện làm. Và khi đã không có sự tự chủ thì chắc khó mà có thể có tinh thần tự lập cho cuộc đời sau này.

Theo nghiên cứu, trong cuộc đời con người, có ba điều quan trọng là lập ngôn, lập chí và lập nghiệp. Muốn có được các điều này thì không thể chỉ biết dựa vào sự chăm sóc hỗ trợ của cha mẹ, và của những người xung quanh mà còn phải bằng sự tự lập của chính trẻ. Vì vậy, hình thành ý thức tự giác cho con từ sớm chính là bước đầu cho quá trình thành người của con sau này.

Dạy trẻ tính tự giác bằng cách nào?

Đứa trẻ tương tự như một tờ giấy trắng. Chúng ta có thể vẽ lên đó những hình ảnh đẹp, và cũng có thể bôi bẩn bằng những nét nguệch ngoạc vô ý thức. Vì vậy, khi muốn dạy cho trẻ ý thức tự giác, chúng ta phải biết dùng cách nào, công cụ nào để vẽ lên tờ giấy đó những hình ảnh hữu ích, nếu không thì chính chúng ta đang làm hỏng tâm hồn đứa trẻ!

tre-tu-giac-lam-viec-nha.png
Bố mẹ có thể lập ra một hệ thống khen thưởng khi trẻ tự giác làm tốt công việc nhà

Để dạy trẻ tính tự giác, cha mẹ áp dụng các cách sau:

Biến những hoạt động mang tính bổn phận thành trò chơi: đối với trẻ em, trò chơi chính là các hoạt động rất nghiêm túc! Vì thế khi chúng ta chơi trò “mèo con rửa mặt” hay “thỏ mặc quần áo nhanh” hoặc “xem ai nhanh hơn”... là chúng ta đang “làm việc” với trẻ hay đang “dạy” trẻ một cách nghiêm túc.

Trẻ rất thích được khen: Trong quá trình thực hiện, chúng ta nên có những lời nói có cánh, nhưng cũng phải hợp lý và chừng mực chứ không phải “gì cũng khen”! Còn nếu như trẻ làm sai, làm hỏng thì chúng ta lại không nên chê bai mà thay vào đó là khuyến khích: “Mẹ biết là con có thể làm tốt hơn! Con làm như thế là không được, nhưng mẹ tin là con sẽ làm được mà!”.

Cho trẻ tự xoay sở: Cha mẹ hãy để trẻ tự làm và tự chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm. Việc cho trẻ tham gia các đội nhóm hoạt động theo sở thích hay theo các kỹ năng cũng là một cách giúp trẻ tự giáo dục mình thông qua các trẻ khác.

Đặt niềm tin vào trẻ: Khi trẻ đã có được những khả năng cơ bản, những kiến thức và kinh nghiệm tối thiểu, cha mẹ phải biết tin vào trẻ. Chính sự tin tưởng vào khả năng của trẻ sẽ tạo động cơ tích cực giúp trẻ phát huy được ý thức tự giác của mình.

Như thế, để hình thành một tính cách, chắc chắn không thể là những tác động kiểu “mì ăn liền” mà là một quá trình giáo dục tịnh tiến, đi từ những chuyện nhỏ, kéo dài từ năm này qua năm khác. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta cứ phải kè kè theo trẻ, hướng dẫn cho trẻ hết chuyện này sang chuyện khác, mà trong các năm tháng tiếp theo chỉ là sự quan tâm mang tính giám sát, hỗ trợ và đồng hành cùng trẻ.

Bài liên quan
Sai lầm cha mẹ thường mắc phải khi nuôi dạy trẻ hướng nội
Nhiều người hướng nội gặp khó khăn khi cảm thấy họ nên hòa đồng hơn hoặc hướng ngoại hơn do những kỳ vọng của xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí quyết dạy trẻ tự giác trong công việc