(GDTĐ) - Dịp Tết Dương lịch 2024, học sinh sẽ được nghỉ học tương đối dài ngày, nhiều phụ huynh đã bắt đầu lo ngại về việc trẻ sẽ không đảm bảo được nhịp học tập khi quay lại lịch trình thông thường sau kỳ nghỉ.
Tuy nhiên, cha mẹ hãy bình tĩnh tham khảo 03 bí quyết cơ bản sau để giúp trẻ nghỉ ngơi, tận hưởng kỳ nghỉ mà “không quên nhiệm vụ”.
1. Cha mẹ chấp nhận kỳ nghỉ của con
Khi cha mẹ nghỉ Lễ thì con trẻ cũng được nghỉ. Không khí nghỉ của toàn gia đình sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý của trẻ. Đây là lúc cha mẹ nên hạ thấp kỳ vọng, mục tiêu xuống. Cha mẹ phải chấp nhận thực tế rằng, con trẻ chẳng thể học hành ngoan ngoãn như những ngày bình thường. Các hoạt động vui chơi giải trí của gia đình cũng sẽ khiến trẻ bận rộn, không thể tĩnh tâm để tập trung vào bài vở.
Vì thế, phụ huynh hãy để cả gia đình và con trẻ được tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ một cách thoải mái, tạm gác trách nhiệm về học hành sang một bên. Cha mẹ hãy nghĩ rằng thời gian này chính là cơ hội để cha mẹ và con cái cùng nghỉ ngơi, cùng làm việc gì đó mà suốt những ngày bận rộn không thể làm được.
Cha mẹ cũng có thể tranh thủ kỳ nghỉ làm việc gì đó nhưng không có nghĩa là con trẻ cũng bắt buộc phải tham gia vào. Chúng có quyền tự chọn kỳ nghỉ của chúng miễn là không vi phạm các quy tắc chung đã được cả gia đình thống nhất.
2. Cùng con lập thời gian biểu hợp lý
Trước khi bước vào kỳ nghỉ, cha mẹ nên nói chuyện trước với con về việc cả gia đình sẽ có những hoạt động nào, con muốn làm việc gì, cha mẹ muốn làm việc gì, hỗ trợ nhau như thế nào… Việc cha mẹ trao đổi với trẻ và thống nhất về kế hoạch nghỉ lễ sẽ giúp trẻ thoải mái, tự tin, nắm được lịch trình và luôn sẵn sàng cho các hoạt động.
Cha mẹ có thể đặt một số quy tắc trong sinh hoạt gia đình như: không thức quá khuya, không xem quá nhiều chương trình trên mạng, ăn cơm đúng giờ…
Cha mẹ cần ấn định một khoảng thời gian cho trẻ ngồi vào bàn học và xem lại bài vở hoặc làm bài tập về nhà. Tuy nhiên, cha mẹ cần ghi nhớ rằng, việc học hành lúc này chỉ giúp con trẻ duy trì thói quen học tập và không quên kiến thức chứ không nên trở thành gánh nặng tâm lý quá căng thẳng.
3. Mở rộng biên độ học tập
Học tập vẫn là nhiệm vụ quan trọng đối với trẻ. Tuy nhiên, hãy để con tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này trong trạng thái thoải mái, chủ động.
Trong kỳ nghỉ, trẻ cần học rất nhiều điều trong cuộc sống. Nếu đặt trọng tâm vào bài tập thì các con sẽ không có cơ hội học hỏi những kỹ năng khác như cách ứng xử, cách làm việc nhà, cách sắp xếp các công việc gia đình…
Do vậy, gia đình nên tạo cho con những điều gì thật ý nghĩa trong kỳ nghỉ. Cha mẹ có thể lựa chọn việc cùng nhau đi thăm người thân, ông bà; tham gia các hoạt động tình nguyện cộng đồng; trải nghiệm môi trường học tập mới qua hình thức sinh hoạt nhóm; để con trẻ cảm nhận được những giá trị sống.
Nếu có thể, cả gia đình hãy sắp xếp một chuyến đi du lịch tới vùng đất mới. Việc đặt con trẻ vào một vùng đất xa lạ sẽ khiến trẻ “mở mang đầu óc” bằng các quan sát thực tế, trải nghiệm người thật việc thật và khám phá những điều thú vị, khác biệt so với đời sống quen thuộc thường ngày của chúng.
Cũng có thể mở rộng biên độ học tập của trẻ bằng các thử thách như 3 ngày đọc xong một quyển sách, 3 ngày nắm được nguyên tắc cơ bản của một trò chơi… Việc tự mình học hỏi, khám phá một điều gì đó cụ thể cũng khích lệ tinh thần ham học của con trẻ, từ đây, chúng sẽ cảm thấy có thành tựu để kể với bạn bè khi quay lại trường học.
Việc vui chơi, tinh thần thoải mái cũng giúp trẻ dễ dàng khôi phục các kiến thức đã học chứ không phải chơi là quên như nhiều người vẫn nghĩ. Việc đi học lại của trẻ sẽ không có gì phức tạp khi chúng đã trải qua một kỳ nghỉ thú vị, bổ ích.
Cha mẹ hãy tận dụng kỳ nghỉ để cùng con tạo ra những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời thơ ấu, tăng cường tình cảm và mối liên kết gia đình. Không nên sử dụng một kỳ nghỉ để “học tập gấp đôi” nhằm bù lại những thiếu hụt kiến thức mà trước đó trẻ đã không tiếp nhận thông suốt.