Là một ngôi trường THPT ở miền núi của tỉnh Thanh Hóa, thế nhưng tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Trường THPT Ngọc Lặc có tới gần 40 thí sinh đạt điểm Ngữ văn từ 9 điểm trở lên. Trong đó, có 1 em đạt 9,5 điểm; 3 em đạt 9,25 điểm của môn Ngữ văn. Điểm trung bình môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của nhà trường đạt 7,25.
Thầy Vũ Ngọc Liêm – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường có 11 lớp 12, với tổng số 433 HS. Trong đó, có 76 HS lựa chọn Tổ hợp Khoa học Tự nhiên và 357 em lựa chọn dự thi Tổ hợp Khoa học Xã hội.
Các giáo viên Tổ Ngữ văn Trường THPT Ngọc Lặc đã giúp gần 40 học trò giành điểm 9 trở lên đối với môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: NVCC. |
Năm nay, để thực hiện nhiệm vụ nhà trường giao phó, việc ôn thi đối với môn Ngữ văn được Tổ chuyên môn do nữ nhà giáo Ngô Thị Thanh làm Tổ trưởng đã xây dựng kế hoạch phân chia HS theo nhóm, nhằm giúp các em có thể ôn tập tốt và giành điểm cao cho mình trong kỳ thi sắp tới.
Theo đó, các giáo viên trong Tổ Ngữ văn của trường đã soạn đề cương ôn tập theo từng phần: đọc hiểu, làm văn nghị luận xã hội, nghị luận văn học. Nội dung dạy thêm tập trung vào thực hành để luyện tập theo cấu trúc đề minh họa. Các GV giao bài tập cho HS tự rèn luyện, sau đó GV kiểm tra, theo dõi giúp đỡ HS hoàn thành bài tập được giao như trả, chữa bài vào tiết sau; phối hợp với GV chủ nhiệm tăng cường kiểm tra công tác ôn tập cho HS.
“Sau khi xây dựng kế hoạch, các thầy, cô trong Tổ Ngữ văn bám sát theo từng lớp rồi phân loại, chia nhóm học sinh để bồi dưỡng. Thậm chí, giáo viên còn phải dạy miễn phí cho HS không thu tiền trong tháng 6, vì thực ra nhiều em “ngại” đi học.
Trong quá trình giảng dạy trên lớp, khi phân loại mà nhận thấy nhóm nào đang ở mức độ 5-6 điểm, thì giáo viên quyết tâm dạy cho HS như thế nào để “đẩy” lên được thành nhóm 7-8 điểm. Còn nhóm 7-8 điểm, thì phải “đẩy” lên thành nhóm 8,5 hoặc hơn, và cứ thế áp dụng phương pháp ôn luyện cho HS để các em có thể vững vàng vượt qua kỳ thi, mang về điểm cao cho mình”, cô Thanh tâm sự.
Cô Ngô Thị Thanh cho rằng, thực tế hiện nay khi ôn thi, HS không học được nhiều, nên GV phải cung cấp đề, thậm chí cả đáp án để HS tham khảo, rồi yêu cầu các em viết từng đoạn, hoặc một bài hoàn chỉnh và GV căn giờ.
Cách chia nhóm học sinh để ôn thi của Trường THPT Ngọc Lặc. Ảnh: NVCC. |
“Khi học sinh đã được tham khảo tài liệu xong, thì phải tự làm bài như một bài thi thật, mà không có tài liệu. Giáo viên sẽ căn giờ để thu bài, rồi đem về chấm, sửa và trả bài hàng tuần rất nhiều lần cho HS. Ngoài ra, thời gian HS ở nhà, chúng tôi cũng giao bài và yêu cầu phải thực hiện đúng thời gian... Với cách làm như vậy, dần dần chúng tôi “đẩy” tốc độ làm bài của HS lên sao cho phù hợp, thậm chí còn nhanh hơn với thời gian làm bài thi thực tế.
Nói chung, phương pháp ôn luyện cho HS của chúng tôi là phải yêu cầu các em rèn luyện kỹ năng nhiều, viết nhiều... đối với nhóm HS chỉ lấy điểm xét tốt nghiệp. Còn nhóm điểm cao để xét đại học cần phải “đẩy” lên nhóm điểm 9, thì chú trọng kiến thức nâng cao. Vì thế, ngay trong một lớp học thôi, nhưng sẽ có mấy nhóm ngồi khác nhau, giáo viên giao đề khác nhau, có sự phân hóa. Có như vậy, HS mới tập trung ôn tập tốt và vững vàng kiến thức để vượt qua kỳ thi, mặc dù giáo viên khá vất vả, nhưng đó là tâm huyết chung của tất cả giáo viên trong trường”, cô giáo Thanh bộc bạch.
“Với mục tiêu đề ra của nhà trường là, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99% trở lên, tỷ lệ đỗ đại học đạt 75 % trở lên. Do đó, để hoàn thành mục tiêu đề ra, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu GV bộ môn cần nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi và ôn thi THPT năm học 2022-2023 do Bộ GD-ĐT, Sở GD&ĐT Thanh Hóa ban hành. Xây dựng kế hoạch theo các nội dung giảm tải như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT...
Căn cứ công văn chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về nội dung thi THPT “nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12” GV trong các tổ chuyên môn rà soát chương trình và xây dựng nội dung ôn tập...”, thầy Vũ Ngọc Liêm - Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc (Thanh Hóa).