Năm nay, thí sinh được đăng ký, điểu chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trong thời gian quy định. Do đó, điểm cao hay thấp không phải là vấn đề quá quan trọng, các em hoàn toàn có thể thay đổi nguyện vọng của mình (nếu cần) và hãy tính toán thật kỹ để có lựa chọn hoàn hảo.
“Mức điểm an toàn nhất là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của năm 2021, 2022 khoảng 3 điểm. Nếu tổng điểm bằng hoặc thấp hơn so với điểm chuẩn của năm trước, thí sinh cần tính toán để có kế hoạch đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển hợp lý” - TS Lê Xuân Thành chia sẻ.
Nhận định, năm nay điểm chuẩn các ngành khối kinh tế không giảm, thậm chí có thể tăng nhẹ nhưng TS Lê Xuân Thành cho rằng, các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật có thể giảm từ 0,5 đến 1,5 điểm. “Điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành của Trường ĐH Mỏ - Địa chất có thể tương đương năm ngoái. Riêng ngành Kinh tế, Công nghệ thông tin điểm chuẩn có thể tăng nhẹ vì chỉ tiêu năm nay giảm so với năm trước” - TS Lê Xuân Thành dự đoán.
Năm nay, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tuyển sinh 2.100 chỉ tiêu với 29 ngành đại học chính quy. TS Nguyễn Văn Tuân – Phó Hiệu trưởng nhà trường - nhìn nhận, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản ổn định, không có biến động lớn. Do đó, điểm chuẩn được dự báo sẽ tương đương năm ngoái. Tuy nhiên, ở tổ hợp xét tuyển A00 (Toán học, Vật lý, Hóa học) điểm chuẩn có thể giảm từ 0,5 – 1 điểm.
Mặc dù ngày càng có nhiều trường sử dụng các bài thi đánh giá năng lực, các kỳ thi riêng để tuyển sinh nhưng theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), hiện tất cả các trường đại học vẫn sử dụng kết quả thi THPT như một phương thức quan trọng trong tuyển sinh.
Với phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cho thấy, đề thi cơ bản ổn định, một số môn đã được điều chỉnh, sự phân hóa ngày càng được cải thiện tốt hơn. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức dự đoán, các tổ hợp có môn Toán, Hóa, Địa lý dự kiến điểm trúng tuyển sẽ thấp hơn từ 0,5 - 1,5 điểm so với năm ngoái.
Các tổ hợp có tiếng Anh, Ngữ văn, Giáo dục công dân có thể sẽ nhích hơn chút, từ 0,5 - 1 điểm so với năm ngoái. “Về cơ bản, các cơ sở đào tạo yên tâm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy” - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trao đổi.
Hiện, mỗi ngành học có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - cho biết, thí sinh chỉ cần đăng ký ngành/chương trình đào tạo mà mình mong muốn và có kết quả các tổ hợp phù hợp với phương thức xét tuyển của ngành/chương trình học đó là được xét tuyển. Thí sinh được ưu tiên tối đa và sẽ trúng tuyển bằng phương thức tốt nhất mà mình có.
Đối với thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, không có nghĩa các em đã trúng tuyển chính thức. Thí sinh chỉ trúng tuyển chính thức khi đăng ký nguyện vọng đó trên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống) và được công nhận tốt nghiệp THPT. Khi đó, hệ thống lọc ảo sẽ xử lý các nguyện vọng và thí sinh sẽ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất.
Thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin trong đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo, cũng như quy chế tuyển sinh. Việc thực hiện đăng ký xét tuyển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về điều kiện hồ sơ, quy trình và thời gian dự tuyển.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học trên Hệ thống (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định (từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7). Từ 31/7 - 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến. Các trường thông báo thí sinh trúng tuyển (đợt 1) muộn nhất là 17 giờ ngày 22/8. Thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến (đợt 1) trên Hệ thống trước 17 giờ ngày 6/9. Sau 6/9, các trường có thể bắt đầu khai giảng năm học mới. Các trường xét tuyển các đợt bổ sung (nếu có) cho tới hết năm 2023.