Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, cán bộ làm việc với trách nhiệm cao và vì dân sẽ được ghi nhận xứng đáng.
Sáng nay (11/7), Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức (TPHCM) tổ chức Hội nghị lần thứ 24, sơ kết tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm.
Tại hội nghị, Bí thư TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao về những thành quả đạt được 6 tháng qua của TP Thủ Đức trên nhiều lĩnh vực.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: CTV
Ông Nên đặc biệt nhấn mạnh về công tác cán bộ, khi toàn thành phố đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 12. Đặc biệt, đối với TP Thủ Đức là địa phương được kỳ vọng nhất, công tác cán bộ cần làm chặt chẽ và kỹ càng hơn.
Theo ông Nên, TP Thủ Đức đang có khung đội hình cán bộ rất tốt. Trong đó, trưởng các phòng Giao thông công chính, Khoa học - Công nghệ và Thông tin, Kinh tế - Kế hoạch và Đầu tư và Trung tâm Hành chính công - 4 đơn vị được thành lập theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM - đều là những người “nắm vai, thuộc bài”.
"Một số trưởng phòng nói trên dù chưa phải là Thành ủy viên, nhưng phẩm chất và năng lực rất xứng đáng được ghi nhận.
Tôi đánh giá như vậy để các đồng chí hiểu rằng làm cán bộ là đặt trách nhiệm lên hàng đầu, là hoàn thành nhiệm vụ chứ không phải thị phi vấn đề “ghế cao, ghế thấp”. Người ngồi ghế cao chưa chắc hơn người ở ghế thấp nếu không hoàn thành nhiệm vụ” - người đứng đầu Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.
Cũng theo Bí thư TPHCM, khi làm cán bộ ăn lương của dân thì việc bị phê bình là bình thường.
"Các cán bộ phải xem việc đó với thái độ tích cực để tu dưỡng, rèn luyện thêm. Điều quan trọng là họ phải có lập trường vững vàng, không dao động trước mọi thị phi" - ông Nên khẳng định.
Tình trạng ngập diễn ra tại khu vực chợ Thủ Đức khi mưa lớn. Ảnh: Nguyễn Huế
Tại hội nghị, Trưởng Phòng Giao thông công chính TP Thủ Đức Lưu Trọng Nghĩa cũng đề cập tới vấn đề ngập nặng tại khu vực chợ Thủ Đức. Theo ông Nghĩa, thời gian qua, người dân quan tâm việc tại sao công trình chống ngập đường Võ Văn Ngân đã đưa vào hoạt động nhưng khu vực chợ Thủ Đức vẫn ngập.
"Mục tiêu của hệ thống thoát ngập đường Võ Văn Ngân không phải để chống ngập mà là thu nước và thoát nước nhanh, hạn chế tình trạng ngập cục bộ và nước chảy xiết cho khu vực.
Tuy nhiên, lưu vực thoát nước của hệ thống này nhỏ hơn của chợ Thủ Đức, nên nước thoát chậm khi mưa lớn" - ông Nghĩa phân tích.
Qua đó, vị trưởng phòng đề xuất TPHCM quan tâm, ưu tiên bố trí vốn để nâng cấp, cải tạo rạch Thủ Đức kết hợp với chỉnh trang đô thị. Các dự án này có kinh phí khoảng 4.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Nghĩa cho rằng thành phố cần có cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng các hồ điều tiết để trữ nước, chống ngập khi mưa…
Trước các đề xuất nói trên, ông Nên cho biết sẽ chỉ đạo ưu tiên TP Thủ Đức xây dựng các hồ điều tiết chống ngập.
"TPHCM, trong đó có Thủ Đức, bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Do đó, vấn đề ngập là khó tránh khỏi, nhưng chúng ta không ngồi chờ mà phải nỗ lực khắc phục hậu quả và hạn chế thấp nhất các khả năng ngập” - ông Nên chỉ đạo.