Thanh khoản tương đương phiên giao dịch hôm qua. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 16,5 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn HoSE có 192 mã tăng so với 274 mã giảm và 82 mã đứng giá tham chiếu.
Phiên này, VJC là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến thị trường khi mang về cho chỉ số chính 0,87 điểm. Ở chiều ngược lại, VHM lấy đi của Vn-Index 0,69 điểm.
Cổ phiếu DLG đã giảm sàn còn 2.420 đồng/cp. Cổ phiếu DLG trắng bên mua và ghi nhận dư bán sàn khủng. So với mức giá trên 10.000 đồng/cp hồi đầu năm 2022, cổ phiếu DLG đã giảm rất sâu.
Liên quan đến DLG, ngày 9/10, Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã ra quyết định mở thủ tục phá sản với CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai theo yêu cầu của chủ nợ - CTCP Lilama 45.3 (Mã: L43). Tập đoàn Đức Long Gia Lai nợ CTCP Lilama 45.3 chỉ 20 tỷ đồng.
Ngày 12/10, phía Đức Long Gia Lai đã gửi đơn khiếu nại tới Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai về quyết định trên và đơn khiếu nại được ký bởi ông Nguyễn Tường Cọt - Tổng Giám đốc. Trong đó, phía doanh nghiệp đề nghị Tòa án thu hồi quyết định mở thủ tục phá sản hoặc ra quyết định đình chỉ mở thủ tục phá sản ngày 9/10.
Trụ sở Tập đoàn Đức Long tại Thành phố Pleiku.
Trước đó, đầu tháng 9, Đức Long Gia Lai giải trình đang gặp khó khăn tài chính tạm thời song khẳng định công ty không bị mất khả năng thanh toán, nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ. Công ty cũng cho hay khoản nợ của Lilama 45.3 rất nhỏ, chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của công ty.
Theo báo cáo soát xét bán niên 2023, tại ngày 30/6, tổng tài sản của công ty gần 5.702 tỷ đồng, trong đó phần lớn nằm ở tài sản cố định (2.509 tỷ), các khoản phải thu về cho vay (2.321 tỷ). Trong đó, công ty cũng trích lập dự phòng 1.362 tỷ đồng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.
Căn cứ giải trình ý kiến kiểm toán, Đức Long Gia Lai thông tin đến thời điểm 15/8, công ty đã thu hồi khoản nợ khó đòi hơn 422 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân. Cuối quý II, lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn là 211 tỷ đồng. Công ty đi vay 2.947 tỷ đồng, chiếm gần 52% tài sản.