Biến ChatGPT trở thành trợ thủ cho giáo viên, học sinh

Minh Phong (thực hiện) | 12/03/2023, 16:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

ChatGPT có thể là trợ thủ cho giáo viên, học sinh. Tuy nhiên để thích ứng, thầy – trò phải thay đổi cách dạy – học và kiểm tra, đánh giá.

Xung quanh vấn đề trên, TS Nguyễn Ngọc Tự - Bộ môn an toàn thông tin, Khoa mạng Máy tính và Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) có những trao đổi trên Báo Giáo dục & Thời đại.

Công cụ tạo ra dữ liệu

- Là người trực tiếp trải nghiệm ChatGPT, TS có cho rằng, ứng dụng này có thể trở thành “trợ thủ” cho giáo viên hay không?

- ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai gần - không những là trợ thủ cho giáo viên, học sinh, mà còn là công cụ ứng dụng được trong mọi lĩnh vực của đời sống. Rút ngắn thời gian hoàn thành công việc và tăng năng suất, hiệu quả.

Tuy nhiên các công cụ AI đều có mặt trái, không dễ dùng nên đòi hỏi người sử dụng phải biết khai thác mặt tích cực và hạn chế tiêu cực. Nó không phải là các công cụ "biết suy nghĩ kiểu con người" và phân biệt được đúng sai. Đơn giản nó chỉ là công cụ tạo ra dữ liệu theo mô hình do con người tạo ra. Song mô hình có thể cải tiến bằng cách đào tạo lại.

- Giáo viên và học sinh cần thay đổi những gì và thay đổi như thế nào trước sự xuất hiện của ChatGPT và công cụ trí tuệ nhân tạo khác?

- ChatGPT ra đời báo hiệu sự thay đổi lớn về xã hội. Các ứng dụng AI như một cụ lao động hữu ích, là xu thế không thể đảo ngược. Không những thầy/trò phải thay đổi, mà tất cả mọi người/lực lượng lao động đều phải thay đổi để thích ứng với phương tiện sản xuất mới.

Ví dụ AI có thể cung cấp thông tin trong nhiều lĩnh vực ở mức cơ bản, cung cấp các kiến thức liên ngành, buộc giáo dục phải thay đổi. Các năng lực ở mức thấp trong thang tư duy như ghi nhớ, tái hiện, áp dụng ở mức đơn giản nên giảm nhẹ trong quá trình giảng dạy học tập.

Học trò có thể tự truy vấn các công cụ hỗ trợ theo lộ trình gợi ý của giáo viên và tích lũy kiến thức. Các khả năng tư duy bậc cao hơn như: ứng dụng chuyên sâu, phân tích, đánh giá, sáng tạo cần được chú trọng hơn.

Đặc biệt, các công cụ AI cũng giúp ích rất tốt cho việc đa dạng hóa nội dung học tập, thích ứng với từng học sinh; đồng thời phát huy tối đa tiềm năng của từng cá nhân thay vì một giáo án cho tất cả các em.

Biến ChatGPT trở thành trợ thủ cho giáo viên, học sinh ảnh 1

TS Nguyễn Ngọc Tự.

Đổi mới phương pháp dạy và học

- Vậy, vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá cần thực hiện như thế nào?

- Đổi mới phương pháp dạy và học là bắt buộc trong thời gian tới. Như tôi đã nói ở trên, chúng ta tập trung vào các năng lực tư duy bậc cao là, ứng dụng chuyên sâu, phân tích, đánh giá và sáng tạo. Đặc biệt, mọi người thường nhắc tới là tư duy phản biện để có khả năng xử lý mỗi khi tiếp nhận một nguồn thông tin nào đó.

Chẳng hạn, những năm gần đây, mọi người hay nhắc tới lớp học đảo ngược (Flipped Classroom). Tuy nhiên, triển khai khá vất vả cho giáo viên. Với sự xuất hiện của các công cụ AI mới, quá trình tích lũy tri thức học trò có thể thực hiện ở nhà theo lộ trình được hướng dẫn. Các hoạt động trên lớp tập trung hình thành các năng lực tuy duy bậc 3, 4, 5, 6 và thích ứng với từng học trò.

Phương pháp kiểm tra đánh giá bắt buộc phải thay đổi theo để đánh giá đúng năng lực. Các đánh giá kiểu ghi nhớ, tái hiện cần giảm thiếu. Đánh giá năng lực vận dụng, phân tích, sáng tạo cần được quan tâm nhiều hơn. Chẳng hạn báo cáo tại lớp, trả lời vấn đáp, đánh giá quá trình cần được ưu tiên…

- TS nghĩ sao về việc phía nhà trường cần đổi mới để thích ứng và bắt nhịp với phát triển của khoa học công nghệ trong tương lai?

- Về phía đơn vị quản lý, đặc biệt là nhà trường cần có những hướng dẫn để định hướng quá trình đào tạo. Tạo ra hành lang pháp lý và các hướng dẫn để “con thuyền” đi đúng hướng.

Ví như, làm thế nào để hạn chế được gian lận thi cử/kiểm tra/đánh giá. Cần làm gì để phát triển các năng lực tư duy bậc cao? Khai thác các công cụ AI như thế nào cho hiệu quả?

Làm thế nào để hạn chế các điểm yếu của nó. Đơn giản như thuốc nổ, nó có thể dùng trong các công việc hữu ích, cũng có thể bị dùng để chế tạo bom trong chiến tranh. Vì vậy, chúng ta phải có hướng dẫn và hành lang pháp lý để điều chỉnh các cách ứng xử, khai thác và sử dụng.

- Theo TS, ChatGPT có thể phản tác dụng hay không?

- ChatGPT và các công cụ AI trong tương lai luôn có mặt trái và mặt phải. Ví dụ, trong giáo dục, nếu cách kiểm tra, đánh giá không thay đổi mà chỉ tập trung vào mảng ghi nhớ, tái hiện thì học trò có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ để gian lận.

Các em sẽ không tập trung học tập, không rèn luyện tư duy bậc cao. Kết quả cuối cùng là không hơn cái máy, không thể tham gia thị trường lao động. Ví dụ như máy móc có thể làm tốt hơn những thứ học biết và có thể làm ví dụ cung cấp tri thức cho một mảng ứng dụng nào đó.

Một mặt trái khác là, ChatGPT không phải là công cụ biết tư duy mà là công cụ "tuân theo mệnh lệnh đã được thiết kế sẵn". Trong cuốn những ảo tưởng về AI (The AI Delusion) của Gary Smith năm 2018 đã nói khá rõ về vấn đề này.

Hiện ChatAPT tạo ra các nội dung không có thực hoặc sai với tỉ lệ khá cao. Do đó, đòi hỏi người sử dụng phải biết dùng các công cụ/nguồn dữ liệu khác để kiểm chứng.

Nếu phụ thuộc hoàn toàn vào AI thì các quyết định đưa ra sẽ rập khuôn, cứng nhắc và đầy rủi ro. Hãy xem nó là công cụ hỗ trợ, không phải là là công cụ đưa ra quyết định cuối cùng.

Xin cảm ơn TS!

"Việc đưa ra chính sách và các hướng dẫn càng sớm càng tốt. Con thuyền giáo dục muốn đi đúng hướng cần phải có hành lang pháp lý để điều chỉnh. Một số nơi cấm dùng ChatGPT cũng là một số giải pháp "câu giờ" để xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp.

Trong lịch sử loài người, chúng ta không thể đảo ngược xu thế hay trốn tránh một phương tiện sản xuất mới, hiệu quả ra đời. Chỉ có cách thích ứng và làm chủ phương tiện sản xuất mà thôi" - TS Nguyễn Ngọc Tự.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến ChatGPT trở thành trợ thủ cho giáo viên, học sinh