Biên giới Nga căng thẳng cao: 5.000 quân NATO sắp áp sát sau thỏa thuận lịch sử, nằm ngay vùng hỏa lực

Tùng Chi | 19/12/2023, 19:48
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo tờ Politico, xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy quốc gia NATO làm một điều chưa từng có: Triển khai thường trực hàng nghìn quân, chỉ cách biên giới Nga khoảng 100km.

Đức – Lithuania ký thỏa thuận lịch sử

Hãng tin Reuters ngày 18/12 đưa tin, một lữ đoàn thường trực của Đức, với khoảng 4.800 binh sĩ và 200 nhân viên hỗ trợ, sẽ được triển khai tại Lithuania, giáp biên giới Nga. Lực lượng này sẽ đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu vào năm 2027.

Bộ trưởng quốc phòng của cả hai nước thành viên NATO đã công bố thông tin sau khi ký kết thỏa thuận về việc triển khai quân đội thường trực ra nước ngoài – lần đầu tiên kể từ Thế chiến II.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius gọi đây là "thỏa thuận lịch sử", đồng thời so sánh với việc đồn trú của lực lượng đồng minh ở Tây Đức trong Chiến tranh Lạnh để bảo vệ Tây Âu trong trường hợp xung đột với Liên Xô.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, NATO đã cam kết tăng cường hiện diện ở biên giới phía đông liên minh.

Ông Pistorius cho biết, phần lớn các đơn vị của Đức sẽ có mặt tại Lithuania vào năm 2025-2026, quân nhân và các gia đình của họ sẽ nhận được những "đãi ngộ hấp dẫn" như nhà ở, suất học tại các trường dạy tiếng Đức hoặc nhà trẻ.

"Với lữ đoàn chiến đấu này, chúng tôi đang đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo trong liên minh và sườn phía đông NATO. Tốc độ của kế hoạch cho thấy Đức nắm rõ thực tế an ninh mới" – Ông Pistorius nhấn mạnh.

Ông Laurynas Kasciunas – người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia và Quốc hội Đức cho biết, Lithuania sẽ chi khoảng 0,3% GDP trong vài năm tới để xây dựng nhà ở, sân tập và các cơ sở hạ tầng khác cho quân đội Đức.

"Tất cả các đảng chính trị, từ cánh tả đến cánh hữu, đều đồng tình rằng đây là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi sẽ tìm kiếm các nguồn lực cần thiết" – Ông Kasciunas nói.

Biên giới Nga căng thẳng cao: 5.000 quân NATO sắp áp sát sau thỏa thuận lịch sử, nằm ngay vùng hỏa lực - Ảnh 1.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas ký thỏa thuận lịch sử. Ảnh: Reuters

Điều chưa từng có

Theo tờ Politico, chiến dịch của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy Đức làm một điều chưa từng có: Triển khai thường trực hàng nghìn quân, chỉ cách biên giới Nga khoảng 100km và nằm ngay trong vùng hỏa lực nếu Nga phát động một cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ NATO.

"Xung đột ở Ukraine đã đảo ngược tư duy quân sự của Bertin – thúc ép các tướng lĩnh và chính trị gia nước này hành động với tốc độ khác thường" – Politico viết.

Một trong những đơn vị thành phần của lữ đoàn mới là Panzerbatallion 203, đến từ Augustdorf ở North Rhine-Westphalia. Tuy nhiên, đơn vị thiết giáp này đã bàn giao toàn bộ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine nên đang chờ các phương tiện mới thay thế.

Bộ trưởng Pistorius cho biết, đơn đặt hàng xe tăng mới cho Panzerbatallion 203 đã được tiến hành. Sau khi hoàn tất, các xe này sẽ được chuyển thẳng tới Lithuania.

Tuy nhiên, ông Roderich Kiesewetter - một đại tá về hưu của Đức cảnh báo, nếu không có kế hoạch tài trợ dài hạn và đầy đủ, cũng như không có hệ thống chiến đấu chủ lực Leopard 2, lữ đoàn Đức ở Lithuania "sẽ không đủ khả năng sẵn sàng phòng thủ".

Aylin Matlé - thành viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho biết: “Nói tóm lại, hoặc việc bổ sung xe tăng Leopard 2 phải được tăng tốc trước khi triển khai lực lượng, hoặc Panzerbattalion 203 sẽ được điều tới Lithuania mà không có hệ thống chiến đấu chủ lực".

Bên cạnh đó, cũng có những lo ngại về việc triển khai lực lượng như thế nào để phù hợp với tình hình tài chính công đang căng thẳng của Đức.

Lữ đoàn Panzerbrigade 42 - một lực lượng khác tương tự như lực lượng sẽ được Đức điều tới Lithuania - có chi phí duy trì hoạt động lên tới 25 - 30 triệu euro/tháng.

Lữ đoàn mới của Đức sẽ đặt trụ sở tại hai địa điểm - Rukla gần thành phố lớn thứ hai Kaunas của Lithuania và Rūdninkai gần thủ đô Vilnius.

Những căn cứ này rất gần "Hành lang Suwalki" - Dải đất liền duy nhất kết nối ba nước Baltic, gồm Latvia, Lithuania, Estonia với phần còn lại của NATO. Dải đất này cũng nối liền vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga với Belarus – đồng minh thân cận của Moscow.

Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas nhấn mạnh: "Chúng ta không nên chỉ mong đợi những viễn cảnh tốt đẹp, mà còn phải lường trước những kịch bản xấu nhất. Vì vậy, chúng ta phải sẵn sàng. Nga vẫn là mối đe dọa chính đối với chúng ta, và cả NATO".

Với việc triển khai tại Lithuania, lữ đoàn của Đức sẽ trở thành 1 trong 8 nhómchiến đấu được tăng cường luân phiên do NATO thành lập tại các quốc gia dọc theo biên giới phía đông của liên minh này.

Bài liên quan
Rộ tin Nga kiểm soát loạt ngôi làng trong ngày đầu tiến công Kharkiv, Bộ Tổng tham mưu Ukraine nói gì?
Quân đội Nga ngày 10/5 đã mở cuộc tiến công nhằm vào vùng Kharkiv ở phía đông bắc Ukraine. Tính đến tối cùng ngày, giao tranh ác liệt vẫn đang diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biên giới Nga căng thẳng cao: 5.000 quân NATO sắp áp sát sau thỏa thuận lịch sử, nằm ngay vùng hỏa lực