Bạn có sẵn sàng “đợi” không nếu chúng nán lại dưới sân trường nhặt rác, xếp ghế cùng bác lao công nhễ nhại mồ hôi mà tiếng trống vào lớp đã dứt?
Bạn có sẵn sàng “đợi” không khi mà sự tiếp thu bài tốt là hiển nhiên với đa số học sinh nhưng là sự chật vật đối với một số trẻ khác?
Những lúc ấy, thiết nghĩ, thầy cô phải bấm nút “tạm dừng”
Xây dựng khả năng sống hạnh phúc cho trẻ
Với cô Ngọc Anh, những khoảnh khắc “đợi” trẻ, cần cho tất cả mọi lực lượng tham gia giáo dục trong trường, cùng ngồi lắng xuống mà “gạn đục khơi trong”. Khoảng thời gian ấy nên “bất khả xâm phạm”.
Nếu “chạy thục mạng”, “chạy suốt” đã là một thói quen của xã hội này, ngay trẻ con đã biết lao đi rầm rầm mà chẳng thèm ngoái đầu lại, thì giờ đây, người lớn phải thiết lập song song thói quen “chạy” và “dừng lại” cho chính mình và cho trẻ.
Chẳng cần nói ra thì ai ai cũng đều biết sự nguy hiểm của việc “không thể dừng lại” trong bất cứ việc gì. Vậy mà chúng ta vẫn chấp nhận sự nguy hiểm ấy? Thậm chí, có người đại dịch Covid – 19 “bắt buộc” dừng lại một số thói quen mà chẳng dừng nổi?
Chúng ta mất kiểm soát với bản thân thì những thứ bên ngoài sẽ nắm quyền kiểm soát ta, kiểm soát con cái, học sinh của chúng ta?
Giáo viên/ bố mẹ là những người gần gũi trẻ nên nếu muốn trẻ biết “pause” thì trước hết, chính bố mẹ, thầy cô phải dành thời gian cho mình "lắng" xuống, sống "từ từ" lại để thấu hiểu chính mình.
Khoảng thời gian đó tuy ngắn nhưng rất có giá trị. Nó giúp người lớn không bị cuốn đi hay bị ngụp lặn trong vô vàn những mong cầu chẳng bao giờ ngừng nếu không biết chủ động dừng.
Mỗi buổi sáng, không gì đẹp hơn khi học sinh thấy hình ảnh thầy/cô giáo điềm tĩnh, sống từ hòa, khoan thai lên lớp mà không bị giục giã bởi những yếu tố "hình thức bên ngoài". Để có được diều này, đòi hỏi người giáo viên phải coi trọng việc sửa mình là chính yếu. Chính thông qua quá trình dạy học, không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng phải trở nên tốt đẹp hơn. Việc tự giáo dục ở giáo viên là điều kiện tiên quyết.
"Mỗi lớp học hạnh phúc là tế bào của trường học hạnh phúc, mỗi trường học hạnh phúc là tế bào của xã hội hạnh phúc, một quốc gia hạnh phúc. Tôi tin rằng, mọi việc làm thật tâm, thật lòng đều cho kết quả xứng đáng" - cô Ngọc Anh nhấn mạnh.
"Hình thành thói quen hay khả năng tạm dừng là điều vô cùng hữu ích để có lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, quốc gia hạnh phúc,... Nhưng hình thành và nuôi dưỡng được nó là điều rất khó cả với người lớn thì trẻ em khó nhường nào. Nhưng đó là việc quan trọng cần làm nếu chúng ta quan tâm đến việc xây dựng khả năng sống hạnh phúc cho trẻ. Ban đầu, học sinh chưa có thói quen đó, giáo viên có thể động viên, khuyến khích thường xuyên, đều đặn hơn với trẻ" - cô giáo Phạm Ngọc Anh.