Trong năm 2024, Bình Dương đặt mục tiêu thu hút khoảng 130-140 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, với tổng số vốn đầu tư nước ngoài khoảng ước khoảng 1,2-1,3 tỷ USD.
Năm 2023, nền kinh tế chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi, nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, sự phối hợp của các ngành, địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đã góp phần duy trì ổn định và phát triển các khu công nghiệp theo định hướng đã đề ra.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được duy trì, phát huy lợi thế và đạt được những kết quả khả quan. Các chỉ tiêu đề ra đều đạt trên 70%. Trong đó, thu hút đầu tư trong nước được 5.780 tỷ đồng, đạt 482% kế hoạch; thu hút đầu tư nước ngoài được 1,22 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch. Chủ đầu tư đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sớm đưa khu công nghiệp đi vào khai thác; công tác an ninh trật tự tại các khu công nghiệp ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp an tâm sản xuất.
Theo kế hoạch, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu thu hút khoảng 130-140 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trong năm 2024, với tổng số vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1,2-1,3 tỷ USD; thu hút 1.100-1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; vốn đầu tư xây dựng đạt 5.700 tỷ đồng; cho thuê và cho thuê lại đất 100-150ha; thu hút 15.000 lao động; tổng doanh thu 35-40 tỷ USD.
Cùng với đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tập trung tham mưu xúc tiến việc thành lập và phát triển thêm khoảng 10 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2023-2030, đặc biệt là đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch.
Tổng số khu công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn tỉnh là 33 khu, chiếm 7,9% trên tổng số khu công nghiệp cả nước (416 khu công nghiệp) với tổng diện tích quy hoạch là 14.790ha. Trong số đó, có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.962ha. Riêng Khu công nghiệp Cây Trường đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) với diện tích 700ha, đang triển khai các bước tiếp theo để đưa khu công nghiệp đi vào hoạt động.
Đến cuối 2025, dự kiến thành lập mới 2 khu công nghiệp, với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.000ha tại huyện Bắc Tân Uyên và thành phố Tân Uyên; trong đó, khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí với diện tích khoảng 800ha với mục tiêu thu hút các ngành cơ khí theo hướng công nghệ cao, tự động hóa ít thâm dụng lao động và Khu công nghiệp Tân Lập I với diện tích 200ha, chuyên ngành gỗ.
Đến cuối 2030, dự kiến triển khai thêm 8 khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo nhằm phát triển đồng bộ công nghiệp tại các vùng huyện của tỉnh với diện tích quy hoạch mới trên 6.000 ha dọc theo vành đai 4.
Quý 1 năm nay, tỉnh đã thu hút được 177 triệu USD, tăng 385% so với cùng kỳ, đạt 14,75% kế hoạch năm nay. Tính đến nay, trong các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 3.112 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.433 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 29,5 tỷ USD và 679 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 94.000 tỷ đồng. Hiện có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trong tỉnh; trong đó, đứng thứ nhất là Hong Kong (Trung Quốc), thứ hai là Nhật Bản; thứ ba là Singapore và thứ tư là Hàn Quốc...
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, nhấn mạnh Bình Dương kiên định với chiến lược phát triển bền vững, tiếp tục đẩy mạnh điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp theo hớng chuyên biệt, thông minh, sinh thái, đồng bộ và hiện đại trong thời gian tới.
Năm 2024, dự báo tình hình vẫn có nhiều khó khăn, bất ổn, do đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phải xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2024 của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, sở, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.