Muốn như vậy, các nhà trường phải nắm được tinh thần của yêu cầu đổi mới và áp dụng ngay trong đề kiểm tra học kỳ I năm học này. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương xây dựng ngân hàng đề thi chung của chương trình mới theo hướng phát triển từ cơ sở.
Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức đợt tập huấn đầu tiên với giáo viên các môn dự kiến thi tốt nghiệp năm 2025 cho 63 sở GD&ĐT cũng như một số cơ sở giáo dục đại học có tham gia đóng góp trong kỳ thi tốt nghiệp. Đây sẽ là đội ngũ cốt lõi xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ thi thay vì trước đây chỉ có một số thầy, cô giáo chuyên tham gia xây dựng.
Khi thầy cô nắm vững chương trình, lý thuyết về quản lý thì công tác xây dựng ngân hàng đề thi, câu hỏi sẽ thay đổi. Sự thay đổi bắt đầu từ cơ sở và những câu hỏi được giáo viên sử dụng kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ để học sinh tiếp cận dần với đề thi kiểu mới mà không bị “việt vị” khi mốc năm 2025 đang đến gần.
Câu hỏi “học để thi hay thi để học” lại trở nên nóng hơn bởi những đổi mới trong thi cử. Chỉ khi xem thi cử là khâu tất yếu của quá trình học chứ không phải mục đích cuối cùng của việc học thì người học mới có hứng thú, động cơ học tập đúng. Người dạy nhờ đó cũng tự tin, sáng tạo trong giảng dạy.
Thế nên để việc đổi mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh thành công, còn phụ thuộc vào việc phải làm sao thay đổi nhận thức của cả xã hội về quan niệm chất lượng giáo dục. Đích cuối cùng của việc dạy - học, không chỉ ở chỗ học sinh học cái gì, mà quan trọng hơn cả các em có kỹ năng, làm được gì sau việc học đó.
Và để làm điều này, học sinh nhất thiết phải được trang bị phương pháp học và rèn khả năng tự học. Chính vì vậy, trong dự giờ, thao giảng ban giám hiệu và tổ chuyên môn nhiều trường học đã xem xét việc giáo viên có định hướng được cho học sinh kỹ năng tự học cũng như cách giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức hay không để có những điều chỉnh phù hợp trong phương pháp dạy – học.