Với mức tăng vọt trên, Bitcoin nhanh chóng trở thành một trong những tài sản lớn nhất toàn cầu khi vốn hóa thị trường đang tiến sát 1.400 tỷ USD. Con số này vượt cả công ty mẹ Meta của Facebook.
Dòng vốn đổ về các quỹ ETF Bitcoin giao ngay tại Mỹ tiếp tục là động lực lớn cho đợt tăng giá này. Tuần trước, các quỹ đã thu hút lượng tiền khổng lồ trị giá 1,73 tỷ USD, lập kỷ lục liên tiếp hai tuần, theo nền tảng quản lý tài sản CoinShares. Báo cáo cho biết thêm, các quỹ tập trung vào Ether - tiền số lớn thứ hai - cũng đang có nhu cầu cao và đã ghi nhận dòng vốn ròng chảy vào 85 triệu USD.
Theo CoinDesk, nhiều chuyên gia và đơn vị phân tích đưa ra kịch bản Bitcoin lập đỉnh mới trong tuần này. Markus Thielen, nhà sáng lập công ty nghiên cứu thị trường 10xResearch, đã dự báo sự vận động giá của tiền mã hóa này sẽ "đáng kinh ngạc". Ngoài động lực từ dòng vốn ETF tại Mỹ, nhu cầu đầu tư tiền số cũng đang chứng kiến làn sóng mở rộng tại nhiều khu vực.
Mức đỉnh cũ của Bitcoin được thiết lập ở 68.789,63 USD một đơn vị vào ngày 10/11/2021. Thời điểm đó, thị giá tăng khoảng 2.500 USD, tương đương 4%, chỉ trong 45 phút sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo hàng tháng về chỉ số giá tiêu dùng. Nhưng tiền số này cũng nhanh chóng hạ độ cao về dưới 65.000 USD vào cuối ngày, tức trượt giá 5,5%. Vốn hóa thị trường Bitcoin lúc này đạt gần 1.300 tỷ USD với thanh khoản cả ngày lên hơn 48,7 tỷ USD.
"Sóng" Bitcoin giai đoạn đó được hỗ trợ tích cực bởi bùng nổ lạm phát toàn cầu từ Mỹ đến châu Âu và cả Trung Quốc. Nhà đầu tư đổ xô tìm đến tài sản kỹ thuật số vì tin rằng nguồn cung hữu hạn cùng cách thức hoạt động độc lập sẽ giúp chúng trở thành nơi trú ẩn an toàn, chống lại sự trượt giá. Nhiều dự báo giá Bitcoin có thể chạm 80.000 USD chỉ trong thời gian ngắn, thậm chí 135.000 USD vào cuối năm 2021 nhưng bất thành.