Tiêu điểm 24/7

Bỏ đình chỉ học, giáo viên lo "bất lực" trước học sinh ngỗ nghịch

11/05/2025 00:12

Giáo viên lo ngại môi trường học đường "mềm mỏng" quá mức liệu có dẫn đến tình trạng kỷ luật bị buông lỏng, khiến giáo viên khó khăn trong việc quản lý những học sinh có hành vi sai phạm.

Giáo viên lo môi trường học đường dễ bị buông lỏng

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh đang được Bộ lấy ý kiến rộng rãi. Theo đó học sinh bị kỷ luật nếu vi phạm Luật Giáo dục, nội quy của trường hoặc cơ quan chức năng, tùy mức độ, các em ở bậc tiểu học bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; học sinh cấp THCS, THPT bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm.

Cô N.H., một giáo viên ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, bày tỏ sự đồng tình với tinh thần nhân văn mà dự thảo hướng tới. Với kinh nghiệm chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh nghịch ngợm, cô chia sẻ bản thân thường chọn phương pháp trò chuyện, tìm hiểu tâm tư để giáo dục các em thay vì quát mắng hay dùng hình phạt nặng.

"Mục đích là làm cho học sinh hiểu và thay đổi từ nhận thức. Hình phạt đôi khi chỉ gây sợ hãi và càng có tâm lý chống đối", cô H. nói.

Bỏ đình chỉ học, giáo viên lo bất lực trước học sinh ngỗ nghịch - 1
Giáo viên lo ngại kỷ luật quá nhẹ nhàng sẽ khó tạo nên kỷ cương nhà trường (Ảnh minh họa AI).

Cô đánh giá cao hiệu quả của hình thức giáo dục "mềm mỏng" và thấy rõ hiệu quả khi triển khai. Dù lớp có nhiều học sinh nghịch ngợm nhưng cô H. ít khi phải dùng đến hình thức viết bản kiểm điểm.

Dù vậy, cô vẫn bày tỏ lo ngại về việc loại bỏ hoàn toàn các hình phạt mạnh hơn.

"Vẫn cần giữ lại một số hình phạt nặng hơn viết bản kiểm điểm với những học sinh quá ngỗ nghịch. Nếu bỏ hết sẽ rất khó xử lý nếu học sinh vi phạm quá nặng, không có tiến bộ", cô H. nêu quan điểm.

Theo nữ giáo viên, tùy vào đối tượng học sinh, đã chia sẻ, nói chuyện, làm tâm lý mà không thay đổi thì vẫn cần dùng biện pháp kỷ luật mạnh hơn.

Cùng chung nỗi lo, thầy giáo Hồ Như Hiển, giáo viên lịch sử tại Thanh Hóa, thẳng thắn cho rằng dự thảo bộc lộ bất cập giữa mục tiêu giáo dục nhân văn và việc thiết lập kỷ cương trong nhà trường.

Theo thầy Hiển, trong bối cảnh các hành vi vi phạm nội quy học đường ngày càng phức tạp và nguy hiểm (bạo lực học đường, xúc phạm thầy cô, gian lận thi cử, sử dụng chất cấm,...), việc loại bỏ hoàn toàn các hình thức kỷ luật nghiêm khắc như cảnh cáo trước toàn trường hay đình chỉ học tạm thời là một thiếu sót lớn.

Mất tính răn đe nếu chỉ viết kiểm điểm?


Nam giáo viên phân tích những hình thức xử lý mang tính "nhẹ nhàng" như nhắc nhở, phê bình, hay viết bản kiểm điểm không đủ sức răn đe với những học sinh có hành vi sai phạm nghiêm trọng.

Trong thực tế, nhiều em học sinh viết kiểm điểm một cách qua loa, đối phó, nhưng hành vi sai trái vẫn tiếp diễn. Khi nhà trường không có biện pháp xử lý đủ mạnh, tính nghiêm minh trong giáo dục sẽ bị xói mòn, kỷ luật trở nên hình thức.

Bỏ đình chỉ học, giáo viên lo bất lực trước học sinh ngỗ nghịch - 2
Bạo lực học đường vẫn là vấn đề nóng trong thời gian qua (Ảnh cắt từ clip).

"Những người xây dựng dự thảo dường như đã đặt quá nhiều niềm tin vào khả năng tự điều chỉnh hành vi của học sinh thông qua sự nhắc nhở nhẹ nhàng, trong khi lại đánh giá thấp đặc điểm tâm lý lứa tuổi vị thành niên.

Đó là độ tuổi đang trong giai đoạn hình thành bản ngã, dễ bốc đồng, thích thể hiện và thường chỉ phản ứng khi nhận hậu quả rõ ràng", ông Hiển bày tỏ.

Theo giáo viên này, giáo dục tích cực không có nghĩa là loại bỏ mọi hình thức kỷ luật, mà là kết hợp giữa sự yêu thương và các giới hạn rõ ràng. Nếu không có kỷ cương, học sinh rất dễ nhầm lẫn giữa quyền được tôn trọng và quyền được hành động vô giới hạn. Nhân văn trong giáo dục chỉ thật sự có ý nghĩa khi đi kèm với trách nhiệm và rèn luyện đạo đức.

Mặt khác, ông đưa ra cảnh báo khi một hệ thống kỷ luật lỏng lẻo sẽ khiến những học sinh nghiêm túc cảm thấy bất công, vì hành vi vi phạm không bị xử lý thích đáng. Điều này dễ dẫn tới tâm lý chán nản, giảm động lực học tập và tinh thần tập thể.

Đáng lo ngại hơn, giáo viên, người trực tiếp giữ gìn trật tự lớp học, sẽ bị hạn chế nghiêm trọng trong việc xử lý học sinh vi phạm.

"Khi không có công cụ phù hợp, giáo viên sẽ trở nên "lực bất tòng tâm"", ông Hồ Như Hiển nói.

Để giải quyết vấn đề này, cả cô H. và thầy Hiển đều đề xuất dự thảo nên phân loại mức độ vi phạm và giữ lại một số hình thức kỷ luật nghiêm khắc hơn cho những hành vi cố ý, nghiêm trọng hoặc tái phạm. Thầy Hồ Như Hiển nhấn mạnh sự cần thiết của việc kết hợp kỷ luật với hỗ trợ tâm lý và giáo dục đạo đức, xem kỷ luật là một phần của quá trình giúp học sinh nhận thức và điều chỉnh hành vi.

Cần khung quy định mở để phát huy kỷ luật tích cực

Thực tế cho thấy, nhiều trường phổ thông đã chủ động triển khai các hình thức kỷ luật tích cực trong những năm qua. Điển hình như tại THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM), Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), THCS Vân Đồn (quận 4, TPHCM)...

Mỗi trường sẽ đưa ra những giáo dục tích cực khác nhau như: Học sinh vi phạm có thể được yêu cầu lên thư viện đọc sách và viết cảm nhận hoặc tham gia lao động trong dịp nghỉ hè, dọn dẹp vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh...

Do đó, cũng có ý kiến cho rằng cần tính mở hơn trong quy định khen thưởng và kỷ luật học sinh.

Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/giao-duc/bo-dinh-chi-hoc-giao-vien-lo-bat-luc-truoc-hoc-sinh-ngo-nghich-20250509213547976.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc/bo-dinh-chi-hoc-giao-vien-lo-bat-luc-truoc-hoc-sinh-ngo-nghich-20250509213547976.htm
Bài liên quan
Dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học với học sinh
Học sinh vi phạm kỷ luật chỉ bị nhắc nhở hoặc viết bản kiểm điểm, thay vì nặng nhất là đình chỉ học như hiện nay, theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bỏ đình chỉ học, giáo viên lo "bất lực" trước học sinh ngỗ nghịch