Bộ GD&ĐT đã định danh hơn 23 triệu hồ sơ điện tử

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Bộ GD&ĐT đã thực hiện xác thực và định danh được thông tin của hơn 23 triệu hồ sơ điện tử công dân là học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Báo cáo về một số kết quả nổi bật công tác chuyển đổi số GD&ĐT năm 2022, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ đã triển khai có hiệu quả Đề án số 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chủ động phối hợp với Bộ Công an thực hiện kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Kết nối, đồng bộ và chia sẻ dữ liệu hồ sơ giáo viên, cán bộ quản lý và hồ sơ học sinh.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT đã thực hiện xác thực và định danh được thông tin của hơn 23 triệu hồ sơ điện tử công dân là học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục phổ thông - mầm non.

Số hồ sơ còn lại của giáo viên và học sinh (khoảng hơn 2 triệu hồ sơ), Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo ngành giáo dục các địa phương tiếp tục tiến hành thu thập và hoàn thiện trong năm 2023.

Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ GD&ĐT được triển khai trong đó có 3 dịch vụ ở mức độ 3, 48 dịch vụ ở mức độ 4; đã kết nối, tích hợp và cung cấp 13 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Nhiều kết quả tốt chuyển đổi số trong giáo dục ảnh 3
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ.

Trong năm 2022, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành triển khai, cung cấp và tích hợp dịch vụ công mức độ 4 về "Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông" và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với thủ tục “Công nhận bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam” và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học; trình độ cao đẳng ngành giáo viên mầm non”.

Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng và phát triển kho học hiệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành (bao gồm cả học liệu mở) được đưa vào khai thác sử dụng, chia sẻ gần 5.000 bài giảng e-learning, hơn 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông,...

Cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử” và tiếp nhận, tổ chức đánh giá, thẩm định 42.983 bài giảng điện tử do giáo viên biên soạn. Kết quả, lựa chọn được 2.130 bài giảng đáp ứng chuyên môn, đủ điều kiện đưa lên kho học liệu chia sẻ, dùng chung tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên tham khảo sử dụng.

Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý điều hành. Theo đó, đã số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý (51.000 trường học mầm non, phổ thông; gần 24 triệu học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe …), hơn 1,4 triệu giáo viên (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn).

Từ đó ứng dụng có hiệu quả trong quản lý giáo dục đồng bộ trên phạm vi toàn quốc về: Quản lý thừa, thiếu và đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên; bước đầu số hóa thông tin phục vụ quản lý sức khỏe học sinh trên cả nước; quản lý điều hành các hoạt động tiếp nhận, phân bổ và bàn giao sử dụng máy tính tới từng học sinh thuộc chương trình “Sóng và máy tính cho em”; theo dõi tiến độ tiêm vắc-xin của học sinh trên cả nước và ứng dụng mạnh mẽ trong báo cáo thông tin phục vụ quản lý điều hành của ngành giáo dục khi mở cửa trường học trở lại.

Đối với giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã giao ĐHQG TP. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (5 cơ sở đào tạo uy tín về lĩnh vực Công nghệ thông tin) xây dựng Đề án “Đào tạo nhân lực Công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số”.

Bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng Đề án mô hình giáo dục đại học số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số lần thứ 3. Đề án Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 hiện đang được hoàn thiện dự thảo theo các ý kiến góp ý của các bên liên quan.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã rà soát và hoàn thiện quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học (dự thảo đã được đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để lấy ý kiến rộng rãi theo quy định từ 17/10/2022). Ban hành quy định về mở ngành theo đó có quy định điều kiện khi mở ngành “Cơ sở đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện tối thiểu theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT để sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến”. Ban hành quy định về xác định chỉ tiêu đào tạo từ xa; xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục đại học; xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo đó có tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực và các ngành CNTT...

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhieu-ket-qua-tot-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-post627553.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhieu-ket-qua-tot-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-post627553.html
Bài liên quan
Miễn phí cấp tài khoản định danh điện tử
Kể từ 20/10, chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam không phải thanh toán chi phí đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD&ĐT đã định danh hơn 23 triệu hồ sơ điện tử