Ảnh minh họa/ INT |
Đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn
Việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT yêu cầu cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.
Tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe.
Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuân mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.
Ảnh minh họa/ INT |
Tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy học môn Ngữ văn
Với nội dung này, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT xem xét, góp ý kế hoạch dạy học môn Ngữ văn của các nhà trường theo hướng dẫn tại Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, Công văn 2345/BGDDT-GDTH ngày 7/6/2021 về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cấp tiểu học.
Đồng thời, theo dõi, giám sát quá trình thực hiện đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá trong môn Ngữ văn; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích giáo viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ, nhóm chuyên môn đối với môn Ngữ văn dựa trên nghiên cứu bài học. Tăng cường các hoạt động dự giờ để giáo viên có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong dạy học môn Ngữ văn theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch dạy học môn Ngữ văn thông qua hội nghị, hội thảo, học tập, giao lưu giữa các nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc hướng dẫn này từ năm học 2022-2023.