Bộ GD&ĐT nói về vụ học sinh xúc phạm giáo viên, vấn đề dạy thêm học thêm

06/12/2023, 18:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn vừa trao đổi về việc dạy thêm học thêm, học sinh xúc phạm giáo viên ở Tuyên Quang.

Chiều 6/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn dự buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2023.

Tăng cường rà soát chất lượng đội ngũ

Liên quan đến vụ việc một giáo viên ở Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang) bị nhóm học sinh xúc phạm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Tuyên Quang về việc xử lý hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm nhà giáo trong cơ sở giáo dục.

Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc thật khách quan.

Trên cơ sở đó, có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm đối với các cá nhân và tập thể có liên quan: giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục, lãnh đạo cơ sở giáo dục, đơn vị quản lý giáo dục huyện và các cá nhân, đơn vị liên quan khác.

Chỉ đạo Sở GD&ĐT rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc, tập trung tăng cường công tác quản lý và đánh giá giáo viên; xây dựng đội ngũ nhà giáo; nâng cao kỷ cương trường học, xây dựng văn hóa học đường; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện ở các cơ sở giáo dục; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang) - nơi xảy ra sự việc học sinh xúc phạm cô giáo tại lớp học. Ảnh: Phương Thảo.
Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang) - nơi xảy ra sự việc học sinh xúc phạm cô giáo tại lớp học. Ảnh: Phương Thảo.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, thời gian qua có những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường đã xảy ra. Dù hiện tượng khác nhau nhưng bản chất là như nhau. Vì vậy, cần có các giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này. Trong đó có các biện pháp về giáo dục, công tác quản lý.

Về giáo dục, cần rà soát lại đội ngũ giáo viên về quy trình đánh giá chuyên môn, phẩm chất, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, công tác giáo dục học sinh trong nhà trường. Bộ GD&ĐT có rất nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể, việc triển khai ở các nhà trường cần thực hiện nghiêm túc.

Ngoài ra, cần theo dõi đánh giá việc học sinh chấp hành các quy định một cách thường xuyên; ngăn chặn sớm các vụ việc tương tự bằng cách phát hiện các nguyên nhân ngay từ đầu trong quan hệ giữa thầy - trò, diễn biến tâm lý của học trò, thầy cô.

"Giáo dục học sinh không chỉ trong nhà trường mà cần kết hợp với gia đình và toàn xã hội. Phụ huynh cần có trách nhiệm giáo dục con cái tại gia đình. Nếu trong xã hội chúng ta lan tỏa được những nét văn hóa ứng xử tốt cũng sẽ tác động tích cực tới các em học sinh", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường việc hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy, tư tưởng đạo đức, kỷ luật trong học đường.

Dạy thêm học thêm cần được quản lý chặt

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc đề xuất đưa hoạt động dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, trước đây Luật Đầu tư đã có quy định dạy thêm, học thêm là một trong những ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện.

Bộ GD&ĐT đã có nhiều những văn bản quy định, đặc biệt là Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD&ĐT “Ban hành quy định về dạy thêm, học thêm”.

Sau đó, Luật Đầu tư bỏ hoạt động dạy thêm học thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện, Bộ GD&ĐT mới bỏ một số điều trong Thông tư 17/2012.

Đến nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề nghị đưa hoạt động dạy thêm học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện.

Thực tế cho thấy, giáo viên tham gia vào hoạt động dạy thêm học thêm theo nhiều hình thức. Thầy cô có thể dạy gia sư; dạy thêm ở các trung tâm; tự tổ chức các trung tâm; dạy trực tuyến với quy mô lớn.

Việc dạy thêm học thêm thực tế không cấm nhưng cần quản lý một cách chặt chẽ. Phụ huynh quan tâm về nội dung học, học phí ra sao. Chính quyền địa phương cần nắm được nội dung học thế nào, có đảm bảo công khai minh bạch không?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá, việc đưa hoạt động dạy thêm học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện là cần thiết để cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương có thể quản lý được tốt. Điều này góp phần đảm bảo về chất lượng, quyền lợi của người học.

"Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện thông tư về quản lý hoạt động dạy thêm học thêm sau đó sẽ ban hành. Từ đó sẽ quản lý được về trách nhiệm của thầy cô được dạy thêm trong trường hợp nào, đối tượng nào", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ GD&ĐT đã gửi văn bản số 134 cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tại văn bản số 2026 gửi Thủ tướng Chính phủ vào năm 2020 đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Song, không rõ lý do tại sao từ năm 2020-2021, việc này không được chấp thuận. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần đưa việc này vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý để xử lý bên ngoài trường học.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD&ĐT nói về vụ học sinh xúc phạm giáo viên, vấn đề dạy thêm học thêm