Bộ GD&ĐT tập huấn 63 tỉnh thành về tổ chức dạy học tích hợp

10/12/2023, 17:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GD&TĐ  - Ngày 10/12, Bộ GD&ĐT tập huấn về tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 63 tỉnh thành. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị tập huấn tại điểm cầu chính có đại diện lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; các chuyên gia về các môn học và hoạt động giáo dục đến từ các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Tại các điểm cầu địa phương, có lãnh đạo, chuyên viên Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT; cán bộ quản lý, giáo viên dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại các nhà trường trên toàn quốc.

Giảm dần khó khăn trong triển khai

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm học 2023-2024 là năm học thứ 3 triển khai thực hiện dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở cấp THCS. Thông qua báo cáo của các tỉnh, nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt tổ chức dạy nội dung rất tốt.

Đoàn giám sát thực hiện Nghị quyết 88 cũng đánh giá, quá trình tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018, trong đó có dạy học môn tích hợp, cơ bản đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng mục tiêu chương trình đề ra.

Tuy nhiên, đổi mới giáo dục nói chung, cũng như tổ chức dạy học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp diễn ra trên phạm vi toàn quốc, số lượng trường học rất lớn. Đây lại là nội dung mới, khó; điều kiện các vùng miền, địa phương khác nhau về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên, công tác tổ chức dạy học… nên không tránh khỏi có vướng mắc, khó khăn, lúng túng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều buổi tập huấn, văn bản hướng dẫn để từng bước tổ chức tốt hoạt động dạy, học các môn học này.

So với năm học trước, năm học 2023-2024, vướng mắc, khó khăn tại các địa phương trong quá trình triển khai đã giảm đi rất nhiều, nhưng vẫn còn những ý kiến băn khoăn. Do đó, hội nghị này được tổ chức để tiếp tục xác định rõ cả thuận lợi và những khó khăn, vướng mắc; cùng trao đổi, thảo luận để thống nhất hình thức tổ chức thực hiện.

Tổng hợp báo cáo về thực trạng khó khăn trong quá trình thực hiện, triển khai môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tại các địa phương, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho hay: Phần lớn các địa phương gặp khó khăn vì thiếu giáo viên và giáo viên chưa tự tin trong giảng dạy; khó khăn trong tổ chức thực hiện; kiểm tra, đánh giá; thiếu cơ sở vật chất và thiết bị thí nghiệm; khó khăn về kinh phí triển khai.

Tại hội nghị, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành đã trực tiếp tập huấn các vấn đề liên quan đến dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, hướng dẫn triển khai hệ thống các văn bản cũng như các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cụ thể sau quá trình kiểm tra, đánh giá địa phương trong thời gian qua đối với từng môn học.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành phát biểu.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành phát biểu.

Chủ động, linh hoạt, sáng tạo nhưng đảm bảo khoa học

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các vụ, cục; lãnh đạo các sở GD&ĐT đã trao đổi, thảo luận, nêu khó khăn, vướng mắc, chia sẻ giải pháp tháo gỡ trong quá trình thực hiện, triển khai môn học và hoạt động giáo dục tại các địa phương.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định Vũ Đức Thọ thông tin: Thời gian qua, Sở GD&ĐT Nam Định đã ban hành các văn bản, tổ chức tập huấn, hội thảo, bồi dưỡng liên quan đến việc triển khai các môn học mới, trong đó có môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở THCS.

Đến nay, về cơ bản, sau khi được hướng dẫn theo Công văn 5636/BGDĐT-GDTrH ngày 10/10/2023 của Bộ GD&ĐT, nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai tại các cơ sở giáo dục đã được tháo gỡ.

Để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, tỉnh đã cử 182 giáo viên biệt phái đảm bảo phù hợp với yêu cầu đổi mới chương trình, tổng số giờ triển khai môn học trong một năm được bảo đảm.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng Đỗ Văn Lợi chia sẻ: Sở GD&ĐT đã xây dựng đề án bồi dưỡng giáo viên trình UBND tỉnh để thực hiện. Trong đó, Sở GD&ĐT phối hợp với các trường đại học bồi dưỡng để một giáo viên có thể dạy được các phân môn trong môn học. Sở đồng thời tổ chức các hội nghị chuyên đề cấp thành phố nhằm cung cấp, thực hiện phương pháp dạy học mẫu. Các hội nghị được kết nối trực tuyến đến tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn. Sau mỗi hội nghị tiếp tục triển khai rút kinh nghiệm và đưa ra giải pháp thực tế nếu có khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.

Địa phương chia sẻ ý kiến tại các điểm cầu.
Địa phương chia sẻ ý kiến tại các điểm cầu.

Kết luận hội nghị tập huấn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh vai trò của đội ngũ và ghi nhận các thầy cô giáo đã vượt qua khó khăn, vất vả, nỗ lực rất nhiều để tháo gỡ, hướng đến lợi ích cuối cùng là vì học sinh

Để công tác dạy học các môn và hoạt động giáo dục tại các nhà trường được triển khai tốt hơn, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ cơ sở để tham mưu, chỉ đạo, thực hiện tốt hơn nữa Chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, nắm bắt thông tin triển khai tại các địa phương. Nơi nào khó khăn thì phải tháo gỡ, nơi nào làm tốt thì phải nhân rộng, nơi nào chểnh mảng cần có văn bản xử lý kịp thời để mang lại hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Tăng cường, rõ nét hơn nữa về chức năng, công tác quản lý hành chính của cơ quan Bộ. Đề nghị đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu các chuyên đề để tổ chức tập huấn.

Thứ trưởng nhận định: Đào tạo, bồi dưỡng là quá trình liên tục, gắn với mục tiêu trước mắt và lâu dài, mang tầm chiến lược với phương châm tập trung cao độ nhất cho đội ngũ giáo viên. Cùng với đó là hệ thống hóa lại các văn bản để có tính thống nhất trong quá trình thực hiện.

Đối với các địa phương, Thứ trưởng lưu ý cần tiếp tục nâng cao nhận thức về đổi mới giáo dục trong toàn ngành và xã hội, đặc biệt là phụ huynh và học sinh.

Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của cán bộ quản lý. Đối với các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, nếu cán bộ quản lý tìm hiểu sâu sát văn bản, yêu cầu của chương trình thì những khó khăn vướng mắc sẽ giảm đi rất nhiều. Cán bộ quản lý cũng cần chỉ đạo trên tinh thần quyết liệt, rõ thực trạng, giải pháp để tháo gỡ kịp thời, tránh tình trạng chậm trễ.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các văn bản chỉ đạo triển khai từ Bộ GD&ĐT. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo nhưng đảm bảo khoa học,hợp lý, bám sát chương trình, yêu cầu của Bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Ngoài ra, địa phương cần tập trung đảm bảo nguồn lực, rà soát chế độ, chính sách, đãi ngộ cho giáo viên. Đặc biệt cần có những hình thức khen thưởng đối với các giáo viên có thành tích trong đổi mới giáo dục. Đó là sự ghi nhận, tạo ra sức mạnh, nguồn lực để vượt khó, thực hiện chương trình.

Bài liên quan
Thái Nguyên tập huấn công tác tổ chức các kỳ thi năm 2024
Ngày 23/4, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị tập huấn Quy chế và Nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD&ĐT tập huấn 63 tỉnh thành về tổ chức dạy học tích hợp