Ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGD&ĐT ngày 22/12/2017 về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa mới; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa mới; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa nhằm thực hiện chủ trương xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa mới theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội.
Thực hiện công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương làm cơ sở, căn cứ để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện tại các địa phương cũng như các đơn vị của Bộ được phân công triển khai nhiệm vụ.
Học sinh Trường THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội trong giờ học. |
Về việc gặp nhiều khó khăn trong công tác dạy và học do thiếu sách giáo khoa đặc biệt là sách giáo khoa lớp 8, Bộ GD&ĐT cho biết: Để chuẩn bị triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa kịp thời cho các địa phương lựa chọn và sử dụng (theo Thông tư số 01/2020/TT-BGD&ĐT và Thông tư số 25/2020/TT-BGD&ĐT hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông).
Mặc dù vẫn kịp thời để địa phương lựa chọn, các nhà xuất bản tổ chức xuất bản, phát hành nhưng do sách giáo khoa được biên soạn bằng hình thức xã hội hóa, làm cuốn chiếu nên việc biên soạn của các tổ chức, cá nhân còn chậm. Việc thẩm định cũng bị chậm so với kế hoạch vì dịch COVID-19 (không họp được Hội đồng thẩm định theo đúng kế hoạch của Bộ GD&ĐT đã đặt ra). Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt trong việc phê duyệt danh mục sách giáo khoa để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn và các nhà xuất bản phát hành sách giáo khoa.
Đối với SGK của lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương chủ động phối hợp với các nhà xuất bản để nắm bắt nhu cầu số lượng mỗi đầu sách giáo khoa, lên phương án in ấn, phát hành, cung ứng sách giáo khoa đảm bảo phục vụ dạy và học trước thềm năm học mới. Việc cung ứng phát hành sách giáo khoa đã được tổ chức bài bản, khoa học, trách nhiệm, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm, thiếu sách giáo khoa và đảm bảo cho học sinh, nhà trường có đủ sách giáo khoa trước khi khai giảng năm học mới.
Đối với sách giáo khoa lớp 8, lớp 11 để tổ chức dạy, học từ năm học 2023 - 2024, hiện nay Bộ đã phê duyệt để các địa phương lựa chọn. Như vậy, đối với lớp 8 và lớp 11 đã phê duyệt sách giáo khoa sớm hơn 1 tháng so với lớp 7 năm học trước.
Để bảo đảm cung cấp đầy đủ sách giáo khoa của những lớp tiếp theo được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các nhà xuất bản căn cứ vào số lượng đăng ký của các địa phương tổ chức in và phát hành đủ theo nhu cầu cụ thể của địa phương.