Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng tại Hội thảo chiều 11/3. Ảnh: MOET
Đại diện một số đại học cho biết sẽ tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi này nhưng mong đề có tính phân loại cao hơn.
Khi xem đề thi thử môn Sinh, GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược TP HCM, đánh giá đề vẫn mang tính kiểm tra trí nhớ nhiều. Ông cho rằng các đại học, kể cả khối y dược có thể sử dụng nếu kết quả kỳ thi đảm bảo. Muốn vậy, đề thi cần có nhiều câu hỏi mang tính vận dụng kiến thức, hướng tới năng lực của học sinh hơn nữa.
GS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược, Đại học Huế, chung nhận định. Theo ông, đề thi phải tách được thí sinh theo từng nhóm điểm để các trường chọn ra được những em phù hợp.
Trả lời, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng của Bộ, khẳng định tính phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ cao hơn. Đây cũng là yêu cầu đặt ra, nhưng điều này không có nghĩa việc ra đề phải khó hơn.
Ông ví dụ, với đề thi minh họa hiện tại, kết quả thử nghiệm trên 5.000 học sinh cho thấy tính phân hóa tốt.
Tại Nam Định, cô Trịnh Thị Thanh Xuân, giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết đề thi minh họa môn Sinh học đã được thử nghiệm trên 10.000 học sinh trong tỉnh. Hơn 90% học sinh đạt điểm trên trung bình, điểm phổ biến là 6,5. Số học sinh đạt 8 và 9 giảm dần. Chỉ một trong số 10.000 học sinh đạt điểm 10. Theo cô Xuân, điều này cho thấy đề có tính phân hóa tốt, phù hợp để các trường dùng xét tuyển.
Năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với lứa học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Kỳ thi chỉ còn hai môn bắt buộc (Toán, Ngữ Văn) và hai môn tự chọn. So với kỳ thi hiện tại, số môn thi giảm hai, số buổi thi giảm một.