Trong những năm gần đây, một số cơ sở giáo dục đại học ở Mỹ như Cao đẳng Amherst (bang Massachusetts), ĐH Carnegie Mellon (bang Pennsylvania), Đại học Johns Hopkins (bang Maryland)... đã loại bỏ chính sách tuyển sinh “kế thừa”.
Bà Sarah Hinger, luật sư cấp cao thuộc Chương trình Tư pháp Chủng tộc, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ, chia sẻ, dù không biết chi tiết cụ thể về chính sách của Harvard nhưng vấn đề chung của các trường đại học là việc tuyển sinh “kế thừa” tạo ra những lợi ích không tương đương, nghiêng cán cân về cho người da trắng và người giàu có.
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Đại học Harvard và Đại học Brown, Mỹ, chỉ ra những sinh viên giàu có có khả năng trúng tuyển các trường hàng đầu cao gấp đôi so với những sinh viên thu nhập thấp, trung bình bằng điểm đầu vào.
Nghiên cứu đã khảo sát thu nhập gia đình và dữ liệu nhập học tại khối trường Ivy League hoặc một số đại học như Stanford, MIT, Duke, Chicago... và phát hiện chính sách tuyển sinh “kế thừa” là yếu tố lợi thế cho những ứng viên giàu có. Hai lợi thế còn lại cho các ứng viên giàu có là học bổng thể thao và chứng chỉ ngoại khóa.
Chính sách của Harvard cũng được áp dụng ở nhiều trường đại học Mỹ. Tuần trước, Đại học Wesleyan, bang Connecticut, đã tuyên bố chấm dứt chính sách ưu đãi khi nhập học cho ứng viên đến từ các gia đình có quan hệ lịch sử với trường. Chủ tịch ĐH Wesleyan, ông Michael Roth, cho biết “tình trạng kế thừa” đã xuất hiện lâu đời trong tuyển sinh của trường nhưng bây giờ sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.
Theo AP