Chưa bao giờ tôi nghĩ rác trôi nổi trên bờ biển quê tôi lại có thể trở thành "mỏ vàng"…
- Nếu bạn thay đổi tư duy thì sẽ tạo ra cơ hội, thậm chí thay tạo ra vòng đời mới cho rác. Nhưng bấy giờ, có một bài toán đặt ra: Lấy rác rồi thì tiêu thụ, tiêu hủy nó như thế nào?
Tôi bắt đầu nghiên cứu rất nhiều tài liệu. May mắn, một vài quốc gia đã áp dụng thành công mô hình sử dụng rác nuôi ấu trùng và dùng chúng làm thực phẩm nông nghiệp. Điều đó trở thành một giải pháp vô cùng hữu ích giúp tôi bắt đầu hành trình biến rác thành những chú gà hạnh phúc.
Điều đó là như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay gà là loài được nuôi nhiều nhất thế giới. Thế nhưng hầu hết chúng đều bị giam lỏng, ăn uống, ngủ nghỉ và đẻ trứng trong không gian nhỏ hẹp cho đến lúc chết.
Liệu điều đó có phải một sự bất hạnh? Sự tiến bộ trong nông nghiệp cuối cùng lại tạo ra lỗi lầm với muôn loài, sử dụng chúng để phục vụ cho nhu cầu hạnh phúc con người trong khi tất cả đều có quyền như nhau.
Tôi muốn nuôi ra những chú gà hạnh phúc, tức chúng sẽ được bay nhảy, vui đùa, tắm bụi, đậu trên sào đậu, đẻ trong ổ, đồng thời cũng trở thành nguồn tiêu thụ rác thải bằng cách ăn trực tiếp và gián tiếp thông qua nguồn đạm của ruồi lính đen sống trong rác.
Thời điểm đó, mỗi ngày tôi phải quan sát, tính toán xem một chú gà sẽ ăn bao nhiêu rác thải. Ngoài ra, việc thu gom rác còn phụ giúp nuôi ấu trùng lính đen để sản xuất nguồn đạm cho gà. Cứ thế, 5.000 con sẽ giải quyết bao nhiêu rác, 10.000 con là bao nhiêu, và nếu mô hình này nhân rộng cả nước thì điều gì sẽ xảy ra?
Dự án này vừa xử lý rác thải, vừa tạo ra gà hạnh phúc, vừa cung cấp thị trường nguồn trứng hữu cơ tốt, sạch. Đó là bài toán 1+1= 3 mà chính tôi, những chú gà đang tạo ra cho một thị trường cùng hưởng lợi.
Hiện tại, dự án cho kết quả ra sao, thưa ông?
- Trang trại chúng tôi hiện đang nuôi thả rông khoảng 1700 chú gà vĩnh cửu - tức chúng được sống trong môi trường núi rừng tự nhiên. Còn lại là 5000 chú gà hạnh phúc - tức được nuôi dưỡng môi trường nhân tạo hoàn toàn có không gian bay nhảy, vui đùa đúng tiêu chuẩn quốc tế của HFAC (Humane Farm Animal Care, Tổ chức bảo vệ phúc lợi cho vật nuôi - PV).
Nguồn rác sẽ được tập kết từ các siêu thị, cửa hàng tại TPHCM. Với các thực phẩm ôi thiu, hư hỏng nặng thì chúng tôi dùng nuôi ấu trùng ruồi lính đen. Riêng sản phẩm còn tươi, đảm bảo tái sử dụng sẽ cho gà ăn trực tiếp. Với quy trình này, chúng tôi đang giải quyết ít nhất 2 tấn rác/ngày. Sắp tới, với việc mở rộng quy mô và đàn gà trưởng thành, công suất sẽ lên đến 4 tấn rác/ngày (1440 tấn/năm 2023).
Nhờ đó, chúng tôi tạo ra 3000-5000 quả trứng gà hữu cơ đúng tiêu chuẩn "trứng gà hạnh phúc" của quốc tế. 90% trong số này đã được một công ty ở Việt Nam đặt hàng để sản xuất bánh, còn lại là các nhà hàng, khách sạn tại các thành phố lớn dùng.
Đi một chặng đường dài với một chiếc túi mà ông nói "rỗng tuếch", có bao giờ Huỳnh Hạnh Phúc hối hận?
- "Nếu mình tiếp tục con đường ngày xưa thì giờ như thế nào?", nhiều thời điểm suy nghĩ ấy đến rồi thoáng qua.
Đến tận bây giờ, tôi tự trả cho mình 14 triệu đồng tiền lương mỗi tháng. Song có tháng vẫn phải gửi ngược lại thêm tiền cho dự án. Thế nên, nếu ai hỏi tôi có từng rơi vào tình huống thiếu túng, tài chính thâm hụt không? Tôi trả lời thẳng là có.
Nhưng chỉ cần thay đổi tư duy, không cần nhiều tiền mà bản thân có sức khỏe, sự tin tưởng và niềm hạnh phúc… Đó không phải là tài sản vô tận rồi sao?
Tôi đang là phiên bản tốt nhất của mình. Bởi tài sản vô hình có ở khắp mọi nơi, khi bản thân suốt cuộc đời đã cho đi và nhận lại, khi vô vàn bài toán và định hướng khó khăn đặt ra mà chính mình vẫn vượt qua.
Và để những ai từng hoài nghi, sau này nhìn lại, họ vẫn nhìn thấy mình thành công và là minh chứng rõ ràng cho câu chuyện "lội ngược dòng" không buông bỏ.
Cuối cùng, ông còn hy vọng gì cho con đường phụng sự xã hội trong tương lai?
- Tương lai thì hơi xa mà cuộc sống này biến thiên lắm.
Tôi có một quy tắc là chỉ dám hy vọng trong khoảng 3 tháng, bởi nó là những gì bản thân có thể nhìn nhận.
Trong tháng, chúng tôi đã triển khai mô hình xử lý rác tại Đà Nẵng để nuôi lợn. Tiếp theo, tôi tìm những người bạn đồng hành tại Phú Quý và Phú Quốc - 2 đảo ngọc của chúng ta. Nếu thành công thì không chỉ bản thôi tôi có thể dọn rác thải bãi biển mà còn làm đẹp và thu hút khách du lịch.
Đến khi nào dự án ổn định, tôi sẽ lại tìm một người lãnh đạo mới. Và biết đâu bạn sẽ lại bắt gặp tôi ở một hành trình phụng sự xã hội nào đó khác hơn! (Cười).
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
Năm 2008, Huỳnh Hạnh Phúc tốt nghiệp xuất sắc ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Quốc tế TPHCM. Nhờ tích cực trong các hoạt động ngoại khóa, 2 năm sau, ông đã nhận học bổng toàn phần tại ĐH Missouri (Mỹ) cho chương trình thạc sĩ về quản trị kinh doanh (MBA).
Năm 2013, Phúc tiếp tục nhận học bổng trao cho các ứng viên xuất sắc, hỗ trợ toàn bộ học phí trong 2 năm học thạc sĩ về chính sách công, MPP tại ĐH Harvard (Mỹ).
Sau khi tốt nghiệp Harvard, năm 2015, Phúc trở về Việt Nam, làm việc tại Công ty Grab với mức lương 5.000 USD/tháng (tương đương hơn 100 triệu đồng).
Đến tháng 10/2015, ông quyết định từ bỏ và sáng lập dự án Teach for Vietnam (Giảng dạy vì Việt Nam), trở thành một thành viên của mạng lưới giáo dục toàn cầu Teach for All vào tháng 4/2017.
Trong 2 năm 2017 - 2019 triển khai tại Tây Ninh, dự án Teach for VietNam đã đồng hành 527 giáo viên, hỗ trợ 31964 học sinh. Qua kết quả giảng dạy và hướng dẫn, 71% lớp học có điểm số tiếng Anh tiến bộ; 90% Ban giám hiệu và 87% các giáo viên hài lòng về chương trình.
Ông Trần Hữu Hậu (nguyên Bí thư Thành ủy Tây Ninh) chia sẻ: "Teach for Việt Nam đã đưa những người trẻ có năng lực, trình độ, hiểu biết về vùng sâu vùng xa, nơi có học sinh nghèo. Các bạn ấy đã rất nhiệt tình, xông xáo, đem hết cái tâm và tình cảm để lo cho trẻ em, không tính toán thời gian, quyền lợi, lợi nhuận vì sự học hỏi và phát triển của trẻ em Tây Ninh. Đó là điều tôi cảm nhận và thấy rất rõ trong suốt 2 năm dự án triển khai".
"Năm 2012, châu Âu đã ban hành luật cấm sử dụng lồng nhốt nuôi gà đẻ. Một nghiên cứu gần đây ở Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, và Philippines cũng cho thấy 86% khách hàng chia sẻ phúc lợi động vật nuôi làm thực phẩm là quan trọng khi đưa ra quyết định mua sắm.
Tại Việt Nam, hiện nay đã có hơn 40 doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế đã cam kết chỉ mua trứng gà nhân đạo. Đồng thời, khách hàng đang dần biết thông tin về những mô hình nuôi nhốt cưỡng bức động vật. Phúc lợi động vật được các doanh nghiệp xem trọng và là một trong những tiêu chí trong bộ ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).
Thực tế, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đi theo xu hướng chăn nuôi nhân đạo và Green Connect của ông Huỳnh Hạnh Phúc là một trong số những đơn vị tiên phong.
Mô hình nuôi gà đẻ nhân đạo mà ông Huỳnh Hạnh Phúc thực hiện tại Đồng Nai đã tập trung giải quyết những vấn đề phúc lợi động vật và cung cấp những gì người tiêu dùng và doanh nghiệp hiện nay đang tìm kiếm" - Bà Lê Thị Hằng (Quản lý Chương trình Phúc lợi động vật trang trại khu vực Đông Nam Á- Humane Society International) chia sẻ.